Món quà rạng sáng mùng 1 tết

Trong đêm giao thừa, tại TPHCM, khi mọi người người quây quần bên nhau đón năm mới, vẫn còn hàng trăm người vô gia cư sống lay lất ở vỉa hè, dưới mái hiên. 
Món quà rạng sáng mùng 1 tết

Cảm thương trước những hoàn cảnh ấy, Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) đã lên đường trao quà tết cho những người vô gia cư với mong muốn giúp họ có tết.

Chuyến xe thầm lặng

0 giờ 45 phút, hơn 40 tình nguyện viên đã có mặt ở 115 Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) để sẵn sàng chở những phần quà tết lên đường tìm đến với người vô gia cư. Các tình nguyện viên ấy, có người ở TPHCM, cũng có người ở tỉnh lên; thanh niên có, lớn tuổi có. Họ có chung một tấm lòng cùng hướng về những người có hoàn cảnh khó khăn. Cứ 2 người một xe, họ chở theo những phần quà không chỉ có vật chất mà còn trĩu nặng tình nhân ái để trao tặng người vô gia cư.

Năm thứ 3 tham gia phát quà vào rạng sáng mùng 1 tết, anh Cổ Minh Tuấn (31 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã tạm gác lại khoảnh khắc giao thừa bên gia đình của mình.

Anh Tuấn kể: “Ban đầu tôi ngại tham gia vì xa xôi, nhưng rồi cứ trăn trở mãi, nghĩ mình có nhà, có gia đình là hạnh phúc lắm rồi, không lẽ chỉ vì ngại đi xa mà bỏ chút công sức với những người không có nhà để về, không có người thân để sum vầy. Nghĩ như vậy nên năm 2016, tôi một mình chạy xe cả trăm cây số lên TPHCM để cùng chi hội đi tặng quà. Từ quê lên TPHCM từ sớm, tôi đi chùa lễ Phật rồi tới điểm tập trung. Năm nào cũng vậy, khoảnh khắc trao món quà tới tay người vô gia cư thật xúc động. Thấy những gương mặt u sầu của họ chợt bừng sáng khi nhận lời chúc và món quà trao từ tay mình, tôi thấy thật ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng, việc làm đầu tiên trong năm mới là trao yêu thương thì cả năm sẽ có những điều vui vẻ, hạnh phúc đến với mình; còn với những người vô gia cư, khoảnh khắc đầu năm họ nhận được quà thì mong cả năm ấy họ sẽ sung túc hơn, đủ đầy hơn”.

Tham gia phát quà đêm 30, rạng sáng mùng 1 tết cùng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề 14 năm qua, dì Lâm Thị Lộc (62 tuổi, ngụ quận 1) tâm sự: “Giao thừa là thời khắc nhà nhà sum họp, dù đi đâu, ở đâu người ta cũng tìm về với gia đình, vậy mà trên đường phố còn rất nhiều người không có nhà để về, mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện buồn, thương lắm. Tôi không thể quên ánh mắt của họ khi đón nhận quà và tình cảm của mình. Họ cười đấy, nhưng ánh mắt xa xăm lắm và chứa đựng bao hờn tủi. Chính ánh mắt ấy cứ thôi thúc tôi đi hết năm này đến năm khác”. Và từ năm 2004 đến nay sau thời khắc đón giao thừa cùng gia đình, dì Lộc lại lên xe tới điểm tập trung để rong ruổi mọi nẻo đường, tìm vào mọi ngõ ngách để trao tận tay phần quà tết như chút lộc đầu năm mới cho những người vô gia cư.

Món quà rạng sáng mùng 1 tết ảnh 1 Các tình nguyện viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề tặng quà cho người vô gia cư rạng sáng mùng 1 tết
Mừng tủi với tình người

Hàng ngày ông Nguyễn Văn Hịn (67 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn đi lượm ve chai, rồi tầm 11 giờ khuya về cửa một nhà dân trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) ngủ, thế nhưng đêm giao thừa ông ngồi mãi không ngủ được bởi tấp nập người qua lại. Phố phường rộn ràng là vậy, nhưng bản thân ông lại chứa chất những niềm riêng; buồn tủi về số phận không nhà, không gia đình; là sự bất lực khi sức khỏe yếu, không có công việc ổn định, phải sống lang thang trên phố, nhờ gánh ve chai như vậy suốt 9 năm qua.

Đang ngồi giữa dòng người qua lại trên đường phố, bất ngờ nhận được món quà do các tình nguyện viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề trao tặng, ông Hịn nghẹn ngào cảm ơn. Ông bảo: “Mấy hôm nay tôi cũng nhận được nhiều quà nhưng không nghĩ rằng thời khắc đầu năm mới cũng sẽ có người hy sinh niềm vui sum vầy để thăm và tặng quà cho tôi. Tôi cảm ơn nhiều lắm, cảm ơn tấm lòng của các cô, các cậu”.

Bình thường, cách chỗ ngủ của ông Hịn cũng có một phụ nữ vô gia cư, nhưng hôm nay, người này đã tìm vào hẻm sâu để tránh không khí ồn ào đêm giao thừa. Lần theo hướng của ông Hịn chỉ, nhóm từ thiện tìm được chị Dương Hồng Quyên (50 tuổi, quê Bạc Liêu) đang ngồi nép mình vào một bức vách trước cổng nhà người dân với ánh mắt đỏ hoe.

Chị Quyên kể: “Trước đây tôi cũng có nhà để về, nhưng khi mẹ bệnh rồi mất, căn nhà duy nhất ở quê cũng phải bán để chữa bệnh và trả nợ. Giờ tôi ở tạm trên này, ban ngày đi bán vé số, tối về mái hiên nhà người ta ngủ nhờ. Bình thường cũng buồn, cũng tủi nhưng vào những ngày tết, buồn ghê lắm, tôi không quên được những đêm giao thừa hai mẹ con bên đòn bánh tét, chỉ vậy mà hạnh phúc quá chừng”.

Cầm món quà của các bạn tình nguyện trao tặng, chị Quyên đã khóc bởi tấm lòng của họ. Chị bảo, thời khắc này chỉ có người thân mới tặng quà, mới lì xì cho nhau, vậy mà chị được người lạ tìm đến tặng quà.

Không chỉ chị Quyên mà rất nhiều người vô gia cư vì cái hờn, cái tủi mà khoảnh khắc giao thừa thường tìm đến những ngõ hẻm vắng người qua lại tạm trú ngụ như để chạy trốn khỏi thực tại. Cũng vì vậy mà các tình nguyện viên phát quà khá khó khăn khi tìm được họ để trao quà, trao lời chúc ngày đầu năm.

Ông Tạ Ngọc Minh Tân, Chủ nhiệm Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề, cho biết: “Chi hội là một trong những đội, nhóm đầu tiên phát động ra phong trào tặng quà đêm 30, rạng sáng mùng 1 tết và đã duy trì được 14 năm nay. Riêng năm nay chi hội chuẩn bị được khoảng 500 phần quà mang hương vị tết gồm bánh tét, bánh ú, bánh ngọt, mứt, nước ngọt, mì gói, dưa món và bao lì xì 200.000 đồng. Đội chia thành nhiều nhóm, đi theo từng cung đường rải rác ở 22 quận, huyện (trừ Bình Chánh và Hóc Môn) và một số địa bàn thuộc tỉnh Bình Dương. Năm nay chi hội có 40 tình nguyện viên, chủ yếu là người trẻ, tham gia tặng quà từ 1 giờ đến 5 giờ sáng mùng 1 tết. Chúng tôi chọn giờ này vì ý nghĩa của thời khắc trao quà và cũng vì đây là thời điểm chúng tôi tìm được những người thực sự vô gia cư để sẻ chia, bởi trước đêm giao thừa, lực lượng lợi dụng tấm lòng thiện nguyện của người dân để ăn theo rất là nhiều”.

Tin cùng chuyên mục