“Món quà tết” và lời cam kết

Kỳ họp lần thứ 16 của HĐND TPHCM đang nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri TP. Điều người dân TP kỳ vọng ở kỳ họp lần này không chỉ là có quyết sách cho những vấn đề dân sinh như ngập nước, kẹt xe…, mà còn kỳ vọng sự vào cuộc mạnh mẽ của TP trong việc đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở xã hội. Người dân mong rằng nội dung này được HĐND TP bàn thảo đầy đủ với quyết tâm cao hơn.

Kỳ họp lần thứ 16 của HĐND TPHCM đang nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri TP. Điều người dân TP kỳ vọng ở kỳ họp lần này không chỉ là có quyết sách cho những vấn đề dân sinh như ngập nước, kẹt xe…, mà còn kỳ vọng sự vào cuộc mạnh mẽ của TP trong việc đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở xã hội. Người dân mong rằng nội dung này được HĐND TP bàn thảo đầy đủ với quyết tâm cao hơn.

Nạn tiêm chích ma túy hoành hành đã trở thành nỗi lo canh cánh của người dân và những người có trách nhiệm của TP. Thật tình mà nói, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều người dân TPHCM dù rất nóng lòng nhưng cũng không dám tin đề xuất của TPHCM sẽ được Quốc hội và Chính phủ đồng tình, cho phép TP được thí điểm việc tập trung người nghiện vào các cơ sở xã hội để chữa trị. Hoài nghi bởi lẽ luật là luật và sẽ khó có một cơ chế riêng nào. Khi Quốc hội và Chính phủ đồng ý “bật đèn xanh” cho việc này, TPHCM đã cấp tốc triển khai chủ trương này thành hiện thực. Các quận - huyện vào cuộc, nhân lực và vật lực được đầu tư cho 2 cơ sở xã hội để có thể tiếp nhận 24/24, xử lý hồ sơ trong vòng 15 ngày để tòa án kịp ra phán quyết theo đúng luật định… Có thể nói, những nỗ lực của TPHCM đã được chứng minh, khẳng định.

Tính đến ngày 10-12, TP đã lập hồ sơ 1.268 người lang thang nghiện ma túy, đưa 797 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Chi phí điều trị cho mỗi người bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng trích từ ngân sách của TP. Trong cuộc họp ngày 9-12, nhằm đánh giá công tác ra quân tập trung người nghiện ma túy và triển khai các biện pháp tổng hợp trong thời gian tới, lãnh đạo TPHCM đã cam kết đến Tết Nguyên đán 2015, TPHCM “sẽ hết người nghiện lang thang”. Điều này thể hiện ý thức trách nhiệm, quyết tâm, cố gắng to lớn, đồng thời như một lời cam kết của lãnh đạo TP, không phải nhằm mục đích “lấy điểm” mà vì mục tiêu “an dân”. Trong thời điểm tình hình an ninh trật tự TPHCM còn những mảng tối, lời cam kết này như món quà tết đầy ý nghĩa cho người dân TP, góp phần làm cho bức tranh TP trước thềm năm mới 2015 thêm tươi sáng.

Tuy vậy, bên cạnh niềm vui vẫn còn những nỗi lo. Theo số liệu khảo sát, TPHCM có gần 19.000 người nghiện ma túy, trong khi hai cơ sở xã hội chỉ mới tiếp nhận gần 800 người - một con số còn quá khiêm tốn so với thực tế. Và số người tập trung được trong chiến dịch vừa qua chỉ là một phần của bề nổi từ những “chợ” ma túy như ngã tư An Sương; phường 15, 16 quận 8… Thực tế, vẫn còn những người nghiện xin đểu, người nghiện lên cơn, người nghiện vứt ống chích trên cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường (quận 8); nhiều công viên ở quận 1, quận 5; các cầu vượt dọc đường Võ Văn Kiệt; hẻm nhỏ ở các quận 4, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Bình Chánh…

“Sạch bóng người nghiện ma túy”, lời cam kết đó nói lên quyết tâm của TPHCM, song chúng ta không thể lạc quan để nghĩ rằng vấn nạn ma túy sẽ được giải quyết tận gốc trong ngày một ngày hai. Giành lại sự sống cho người nghiện ma túy, như lời Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng, phải “là nội dung trọng tâm, liên tục, lâu dài”. Tập trung đưa người nghiện ma túy đi chữa trị không thể chỉ bằng vài ngày “chiến dịch” với lực lượng công an, dân quân… mà phải triển khai bằng nhiều hình thức, có sự tham gia góp sức của nhiều lực lượng, đoàn thể, đặc biệt là sự góp sức hỗ trợ tích cực từ cộng đồng dân cư. Hai cơ sở xã hội chắc chắn sẽ không “ôm” hết được số người nghiện và ngân sách cũng sẽ không kham nổi chi phí nếu không mở rộng các hình thức cai nghiện, từ cai nghiện bắt buộc kết hợp cai nghiện tự nguyện hoặc tự nguyện một phần, cai nghiện bằng Methadone… Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán, trong khi TP đang dồn sức đầu tư nhân lực, vật lực cho 2 cơ sở xã hội tiếp nhận, mong các cấp, các ngành ở phường - xã, quận - huyện không “đánh trống bỏ dùi” mà luôn “ngó mắt” đến việc đưa người nghiện ma túy đi cai, như lo chuyện bình ổn giá, lo gạo, lo tàu xe… cho người dân trước, trong và sau tết.

Xóa trắng những điểm nóng buôn bán, hút chích ma túy; hẻm phố, công viên không còn cảnh kim tiêm vứt bừa bãi, người dân an tâm đi lại vui xuân, đó là món quà tết đầy ý nghĩa cho người dân TPHCM. Mong lắm thay!

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục