Người dân kêu cứu
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp (76 tuổi, đại diện các hộ dân), năm 1976, Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng (sau này chuyển thành Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng - gọi tắt công ty) được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Lâm Đồng giao đất để xây dựng nhà máy (lô 1) tại khu vực cây số 276, quốc lộ 20 (thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh) và khu tập thể (lô 2) đối diện nhà máy để tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) ổn định cuộc sống. Đơn vị xây dựng nhà ở tập thể bố trí cho CB-CNV gồm các dãy nhà ở, bếp ăn tập thể và khu nhà trẻ. Một số CB-CNV không được ở khu tập thể thì được bố trí đất dựng nhà và tạo điều kiện cho khai hoang, trồng thêm hoa màu, chăn nuôi.
Đến năm 1999, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 2791 (ngày 8-9-1999) cho công ty thuê đất theo hiện trạng với diện tích lô 1 là 17.480m2 và lô 2 là 28.468m2, thời hạn 30 năm kể từ 1-1-1996. Năm 2013, công ty thực hiện thủ tục trả lại một phần đất lô 2, diện tích 5.024m2 để phân lô, giao cho CB-CNV đang sinh sống tại đây. Căn cứ các quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó đã thu hồi diện tích đất trên giao UBND huyện Đức Trọng quản lý. Sau đó, ngành chức năng huyện Đức Trọng đã làm việc với công ty, lập danh sách các hộ dân đề nghị được giao đất, kết quả có 28 lô được phân cho CB-CNV ở khu tập thể. Trong số này, 4 trường hợp có khả năng tài chính để mua, được nhận lại đất khi đã nộp đủ tiền.
Năm 2018, công ty tiếp tục trả thêm phần đất thuê còn lại ở khu tập thể cho Nhà nước, diện tích 23.444m2 với mục đích để cơ quan chức năng huyện xem xét cấp lại đất tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống. Ngày 5-4-2021, UBND huyện Đức Trọng thông báo thu hồi phần diện tích đất trên để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ Phi Nôm. Tại thông báo này, UBND huyện Đức Trọng nêu rõ: “Các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư”.
Bỏ qua quyền lợi người dân?
Trên cơ sở các thông báo thu hồi đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Trọng đã phối hợp với các phòng ban và UBND xã Hiệp Thạnh tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án. Sau đó, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định phê duyệt các phương án hỗ trợ đối với vật kiến trúc, cây trồng trên đất cho các hộ dân nhưng không bố trí tái định cư tại chỗ cho những hộ này dù đã sinh sống ổn định nhiều năm, có gia đình đã sinh sống 3 thế hệ, người lâu nhất đã ở liên tục 45 năm (từ năm 1976).
Ông Phạm Công Chung (sinh sống tại khu tập thể từ năm 1986) cho biết: “Gia đình tôi bị thu hồi 1.020,6m2 đất, gồm nhà ở, khu vực chăn nuôi heo, gà, vườn cây ăn trái và đất nông nghiệp. Khi tiến hành thẩm định, cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ 111,1 triệu đồng các tài sản trên đất. Với số tiền này chúng tôi không biết phải đi đâu”. Tương tự, 12 trường hợp khác bị thu hồi tổng cộng hơn 13.000m2 đất, người thấp nhất được hỗ trợ 30 triệu đồng, người cao nhất 408 triệu đồng. Ngoài ra, 4 trường hợp đã nộp đủ tiền để nhận đất tái định cư nay đã hơn 5 năm nhưng chỉ 2 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Quang Hiệp cho biết: “Tập thể CB-CNV sinh sống tại đây mấy chục năm giờ chỉ có nguyện vọng được hỗ trợ di dời, tái định cư tại chỗ hoặc cấp đất diện giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đơn giá năm 2014 như một số hộ dân đã được giao trước đó”.
UBND huyện Đức Trọng cho rằng, địa phương không chấp nhận nội dung khiếu nại của các hộ dân liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất và bố trí tái định cư khi nhà nước thực hiện dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ Phi Nôm. Lý do, đây là đất công do nhà nước quản lý, UBND tỉnh đã cho Xí nghiệp hóa chất Lâm Đồng (nay là Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng) thuê từ năm 1996 theo Quyết định số 2791/QĐ ngày 8-9-1999 nên không đủ điều kiện được bồi thường, tái định cư.
Theo luật sư Ngô Thanh Hùng (TPHCM), Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng ký hợp đồng thuê đất từ năm 1999 nhưng thực tế người dân được phân bổ và sinh sống trên đất từ năm 1976 thì những khu vực đất này không phải là đất thuê trả tiền hàng năm. Theo khoản 7, Điều 1, Luật Đất đai năm 1998 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai năm 1993 quy định “các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối do Nhà nước giao trước ngày luật này có hiệu lực thì không phải chuyển sang thuê đất”. Ngoài ra, phần đất các hộ dân xây dựng nhà ở, trồng hoa màu, sản xuất nông nghiệp từ năm 1976 đến nay là đất ở, đất nông nghiệp theo Điều 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng). |