Một chuyến đi khai thông

Một chuyến đi khai thông

Chuyến thăm đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Mỹ (từ ngày 18 đến 21-4) là tâm điểm chú ý trong tuần này. Thời gian một năm chuẩn bị đủ thấy tầm quan trọng như thế nào của chuyến đi.

Lãnh đạo của hai cường quốc, một bên là quyền lực của nền kinh tế số một thế giới và một bên là quyền lực của một quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, cùng ngồi lại với nhau liệu có thể xây dựng được một sự tin cậy lẫn nhau, trong khi đang có quá nhiều bất đồng bởi những căng thẳng thương mại và những khác biệt trong nhiều vấn đề quốc tế?

Một chuyến đi khai thông ảnh 1
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (bìa trái) và Tổng thống Mỹ Bush trong buổi gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi tháng 11-2005.

Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng thương mại là trọng tâm chính trong chuyến đi lần này. Trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Bush tại Nhà trắng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thăm các “đại gia” Microsoft và Boeing ở Seattle.

Để đảm bảo cho chuyến đi thành công, một chuyến đi tiền trạm của Phó Thủ tướng Ngô Nghi đến Mỹ tuần trước cùng với một phái đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có, chi hết 16,2 tỷ USD mua hàng hóa của Mỹ, đồng thời đảm bảo với phía Mỹ rằng Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn nữa trong các hoạt động ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền, mở cửa lại thị trường thịt bò cho Mỹ, và cho phép nhiều công ty nước ngoài cạnh tranh trong các hợp đồng chính phủ.

Những hoạt động này nhằm xoa dịu phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trước khoảng cách thặng dư thương mại khổng lồ giữa hai bên (năm ngoái là 203 tỷ nghiêng về phía Trung Quốc) sẽ được đưa ra tại cuộc gặp Hồ Cẩm Đào – Bush, cùng với vấn đề đồng nhân dân tệ, mở cửa hơn nữa thị trường cho các công ty và sản phẩm Mỹ, nạn vi phạm bản quyền. Ngoài ra, các vấn đề về lãnh thổ Đài Loan, tình hình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên… cũng sẽ được nêu ra tại cuộc gặp của hai lãnh đạo Mỹ – Trung.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Mỹ còn chuyển tải một thông điệp quan trọng hơn nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau là thuyết phục Mỹ tin rằng sự phát triển và nổi lên của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Bên cạnh sự lớn mạnh về kinh tế, việc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, bắt tay với những quốc gia được Mỹ xem là thù địch và gia tăng chi phí quân sự của Trung Quốc đã khiến Mỹ “bất an”.

Chính vì thế, bên cạnh các hoạt động chính thức, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn có một buổi nói chuyện riêng với các học giả và chính khách Mỹ, thảo luận thẳng thắn những khúc mắc trong quan hệ song phương.

Những khác biệt quá lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều vấn đề sẽ khó mà có thể giải quyết hết chỉ với chuyến thăm 4 ngày của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng nó mở ra khả năng sẽ tìm thấy nhiều kênh để hai nước giải quyết những bất đồng và thu thêm nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề trong tương lai.

Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Trung – Mỹ, nhận thức được rằng những lợi ích chính trị, ngoại giao và kinh tế giữa hai nước có nhiều phụ thuộc, và hợp tác bao giờ cũng đem lại nhiều lợi ích hơn là đối đầu.

Tin cùng chuyên mục