
“Một lần thắp - một đời nhớ”
Đúng 19 giờ, giữa màn sương bảng lảng nơi đỉnh Trường Sơn, 288 ngọn nến được thắp lên dọc bậc đá dẫn lên Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - trọng điểm Cà Roòng - ATP Đường 20 Quyết Thắng. Mỗi ngọn nến là một lời gọi, tượng trưng cho những linh hồn chưa từng được biết tên, chưa từng có mộ phần riêng, nằm rải rác dưới những tầng đất đá rừng già.
Trong ánh sáng vàng lay động, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - bản phục dựng từ tấm ảnh năm 1959, thời điểm Người và Bộ Chính trị quyết định mở đường Trường Sơn - được rước vào đền giữa tiếng nhạc nền như tiếng vọng từ rừng.

Tiếng hát không ban nhạc
Sau nghi lễ an vị tượng Bác và dâng hương là đêm nhạc “Hát cho người nằm lại giữa đại ngàn”. Sân khấu tối giản, không ban nhạc. Tất cả chỉ ngồi lặng trước đền, lắng nghe một đêm nhạc như được cất lên từ 60 - 70 năm trước.
Từ Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đường tôi đi dài theo đất nước, Đường Trường Sơn xe anh qua, Người chiến sĩ ấy đến Cô gái mở đường..., những câu hát được thể hiện như lời kể của các ca sĩ Trang Dung, Sim Nông, Mạnh Cường.

Ký ức được kể lại bằng chính tên người
Xen giữa các tiết mục là những câu chuyện lịch sử, được ghi lại từ chính những người sống sót, gắn với nỗi đau cụ thể của từng con người.
“Khi mới về Đường 20, Phạm Ngọc Vũ còn là một đại đội trưởng trẻ. Ngày đầu đến sông Ta Lê, nước lũ dâng cuồn cuộn, ông buộc ba lô vào tấm nilon, ôm như sinh mệnh của chính mình, rồi lao xuống nước trong cơn sợ hãi. Dòng nước đục ngầu suýt cuốn ông đi mãi. May thay, một cành cây kịp níu lại. Từ buổi đó, ông đã học cách lát đá làm đường trong bom đạn: từng viên đá phải đặt mặt phẳng xuống dưới, khe phải chèn kỹ, đầm chắc, lấp sỏi lên trên. Một đoạn đường như vậy, phải đổi bao nhiêu mồ hôi và máu.
Ông nhớ những đêm cầm đèn dầu đi kiểm tra từng đoạn lát đá. Cô tiểu đội trưởng thắc mắc: “Sao bắt bọn em nhặt cả lá cây dưới đá?”.
Ông lặng lẽ bảo: “Đó là kỹ thuật. Là để xe qua không bị trượt. Là để máu đừng đổ thêm”.
Rồi một buổi chiều, ông cùng nhiều công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khác đổ người xuống phên nứa, sốt rét run bần bật. Một mùa Trường Sơn bắt đầu bằng cái rét từ trong xương, và kéo dài đến tận những ngày nhớ về sau này…”.
—
“Đêm ấy, trọng điểm cua Chữ A mịt mù pháo sáng. Xe của đồng chí Gọt rơi xuống hố bom, kẹt giữa tọa độ lửa. Hoàng Anh Tuấn, lúc đó là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, tất tả tìm đến tổ máy húc. Gặp được Vũ Tiến Đề, anh chỉ kịp nói:
“Anh giúp với. Nếu không kéo kịp, xe sẽ thành mồi cho bom”.
Vũ Tiến Đề không do dự. Anh nhảy lên buồng lái, chiếc máy húc gầm lên giữa bóng đêm, bới đất, kéo xe lên nhẹ nhàng như một phép màu. Người lính gọi đó là “vị cứu tinh giữa tọa độ chết”.
Nhưng khi vượt qua Phu La Nhích, lại một trận bom bi nữa đổ xuống. Đồng chí Khánh, lái phụ, gục ngay trong tay Tuấn, ngực thủng hai lỗ, máu phì từng nhịp thở. Tuấn ôm đồng đội trong suốt quãng đường, cho đến khi Khánh tắt thở, không một lời trăng trối.
Giữa bom đạn, không có thời gian để đau. Anh gạt nước mắt, nhờ các chiến sĩ công binh chôn bạn, vẽ lại cho anh sơ đồ mộ. Rồi lại tiếp tục ôm vô lăng lao lên phía trước”.
—
Đêm ấy, giữa núi rừng Trường Sơn rực đỏ bởi pháo sáng và bom đạn, Chính trị viên Đinh Công Ty lặng lẽ gửi lại túi kỷ vật, nhắn với một đồng đội: “Nếu tôi không về… nhớ đưa giúp cái này cho X”. Đó không chỉ là lời trăng trối, mà còn là cuộc tự truy điệu sống - nghi thức của những người lính vượt ATP, nơi được gọi là “cửa tử”.
Vừa qua cua Chữ A, bom điều khiển bằng laser đã rơi trúng xe đồng đội Nguyễn Xuân Hiểu. Chiếc xe cháy rực phía sau. Người bạn cùng khóa, cùng nhập ngũ với ông… đã ra đi.
Không thể dừng. Đoàn xe vẫn tiếp tục, giữa đêm bom như mưa và những cô gái TNXP phất cờ dẫn đường. Một người ngã xuống, người khác lao ra thay.
Ngầm Ta Lê loang máu. Phu La Nhích rực lửa. Một xe xăng trúng bom, lái xe Giáp không bỏ chạy. Anh lao xe vào taluy, hất các phuy xăng xuống vực, rồi nhảy xuống đẩy từng thùng cho phát nổ trước khi bén vào đoàn xe phía sau.
Chỉ trong một đêm, đơn vị mất người, mất xe. Nhưng hàng ngàn tấn hàng vẫn về tới tiền tuyến.
Trên cabin, người lính Trường Sơn không khóc. Nhưng mỗi lần nổ máy là một lần tự truy điệu mình.
—
Tháng 8-1968, trọng điểm Trạ Ang - Km12 Đường 20 - bị bom Mỹ đánh phá tan hoang. Đá núi đổ sập, đường tắc nghẽn hoàn toàn. Giao thông vào Nam tê liệt. Cửa khẩu bị chặn như cuống họng bị bóp nghẹt.
Tiểu đoàn 335 Công binh nhận lệnh thần tốc: “Bằng mọi giá, trong 4 ngày đêm phải thông đường”.
Hai đại đội dồn quân, nổ mìn phá đá, san lấp mặt đường. Cứ ban ngày địch rải bom, ban đêm bộ đội, TNXP lại cuốc xẻng, lại bộc phá. Dưới mưa bom, họ chặt cây làm rong đanh, gùi mìn leo đèo, từng tốp thay nhau đánh đỉnh dốc, đẩy đá xuống vực, mở lối cho xe.
Đêm thứ tư, sau ba lần điểm hỏa, một tiếng nổ cuối cùng vang lên. Đỉnh Trạ Ang sụp xuống, lòng đường hiện ra dưới ánh pháo sáng. Đúng 3 giờ sáng, ba chiếc xe ZIL đầu tiên vượt qua Km12 an toàn.
Tiểu đoàn ôm nhau bật khóc, không vì sống sót, mà vì đã giữ được mạch máu của chiến trường.
—
Trên Đường 20 rực lửa, có một cô gái nhỏ mang tên Lê Thị Vân Liệu, ngày đêm sát cánh cùng đồng đội giữa bom rơi đạn nổ, mang theo một ý nghĩ táo bạo và dịu dàng: “Làm sao phá được bom mà không làm hỏng mặt đường? Làm sao để xe qua an toàn… mà người không ngã xuống?”.
Sau nhiều đêm trắng, chị đề xuất: đào đất dưới thân bom, ốp bộc phá, cho bộc phá nổ hất quả bom văng ra khỏi đường mới kích nổ nên mặt đường không bị hư hại…
Từ đó, hàng trăm quả bom nổ chậm bị “hạ gục” mà đường vẫn thông. Hàng ngàn chuyến xe nối đuôi vào Nam. Và thêm bao sinh mệnh được giữ lại.
Chị tiếp tục ở lại chiến trường khi đơn vị đã rút, cho đến ngày hy sinh, không một lời hẹn trước. Năm 2001, chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
—
Những câu chuyện được kể như một cuộc trò chuyện giữa người với người, không có hình hình ảnh minh họa hay video trình chiếu. Bởi không hình ảnh nào ghi lại được những lát cắt sinh tử của tuổi hai mươi…

Một ngôi đền giữa mây, và một hành trình rất dài
Ngôi đền nơi tổ chức đêm tưởng niệm là kết quả của hành trình nhiều năm thầm lặng mà kiên trì của ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - cũng từng là người lính Trường Sơn. Trở lại vùng đất xưa, ông nhận ra: giữa bao cột mốc thiêng liêng đã có mái che cho linh hồn liệt sĩ, thì Cà Roòng - ATP - nơi từng là “tọa độ lửa” khốc liệt bậc nhất, vẫn chưa có lấy một mái đền.
Ông nguyện xây. Và công trình đã được Tạp chí Nông thôn Việt vận động, với sự tài trợ của ông Dương Công Minh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ngày 24-7-2022, ngôi đền được hoàn thành.
“Không phải chiến trường nào cũng có một mái đền. Nhưng Trường Sơn là nơi Bác từng gửi cả một thế hệ vào lòng núi” - lời dẫn của MC trong nghi lễ rước Bác vào đền cũng là tinh thần của cả chương trình: trả lại sự hiện diện cho những người đã khuất.
Kết thúc đêm tưởng niệm, trong lời dẫn nhẹ như hơi thở: “Chưa bao giờ khoảng cách giữa người còn sống và người đã khuất lại gần đến thế”.
Suốt hơn một tiếng rưỡi, người ta không đứng lên vỗ tay. Những vị lãnh đạo không phát biểu. Giữa tiếng gió xuyên rừng và ánh sáng từ 288 ngọn nến. Giữa Trường Sơn, nơi không còn chiến tranh, đã có sự kết nối giữa những người đã nằm xuống vì hòa bình, với lòng thành của người đương sống.
