Ý kiến

Một nguồn lực của văn hóa

Các nhà nghiên cứu văn hóa thế giới đều thống nhất nhận định, thơ ca là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Với văn hóa Việt Nam, điều này càng được  thể hiện rõ. Người ta không thể định nghĩa cụ thể về thơ. Giống như trong toán học không có định nghĩa về đường thẳng. Nhưng nhất thiết phải có tiêu đề. Tiêu đề của thơ là sự kết nối, hòa hợp nhuần nhuyễn từ tấm lòng (tình cảm, tâm trạng) với sự kết tinh của ngôn ngữ. Người Việt ta gọi thơ là “Tiếng thơ” là vậy. Nói đến văn hóa Việt, người ta đều có chung nhận xét, đấy là nền văn hóa thấm đậm chất thơ. Sự tỏa sáng, sức truyền cảm và sức mạnh của văn hóa Việt Nam có sự góp phần quan trọng của chất thơ.

Người Việt Nam yêu thơ, tạo nên một văn hóa thơ phong phú, đặc sắc. Thơ đã, đang và luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt Nam ta. Những lời ru, lời hát đồng dao, lời ca dao, lời hát thơ dân gian đến với người Việt từ thưở nằm nôi và đi theo suốt cả cuộc đời. Tiếng thơ – tiếng lòng luôn là một người bạn thân thiết để giãi bày tâm sự.

Trong chiến tranh bảo vệ đất nước, trong khó khăn gian khổ, trong công cuộc đổi mới hội nhập toàn cầu, tiếng thơ Việt Nam luôn vang lên thể hiện rõ sức sống mạnh mẽ, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, niềm lạc quan, tự tin của người Việt Nam. Chừng mực nào đó cũng có thể nhận định thơ ca Việt Nam thể hiện bản lĩnh, sắc thái Việt Nam. Bốn câu thơ thần trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những minh chứng. Có thể khẳng định, thơ là một nguồn lực quan trọng trong văn hóa Việt.

Với luận điểm đúng đắn “văn hóa là một động lực phát triển”, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị cho ngành văn hóa nghệ thuật và các địa phương tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm để tôn vinh thơ ca nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Ở TP Hồ Chí Minh năm nay (Tân Mão), “Ngày thơ Việt Nam” - ngày thơ lần thứ 9 được tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nơi 100 năm trước Bác Hồ đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Đây không chỉ là một “Ngày thơ Việt Nam” tôn vinh các giá trị của thơ ca Việt Nam, thơ ca TPHCM mà còn là một sự kiện văn hóa mở đầu cho đợt kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Sự thành công của “Ngày thơ Việt Nam” tại TPHCM tổ chức ở Bến Nhà Rồng là điều đã được khẳng định. Ở đây, các nhà thơ và đông đảo những người yêu thơ đã hội tụ và có chung một tiếng thơ yêu quê hương đất nước, yêu thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại. Cũng từ “Ngày thơ Việt Nam” công chúng càng thấy rõ hơn giá trị và sức sống của thơ, một nguồn lực của văn hóa Việt Nam.

TRẦN VĂN

Tin cùng chuyên mục