Một thế hệ vàng

Họ là những người phụ nữ cùng sinh năm 1975 - nhịp đời của họ cùng chung với từng nhịp sống của thành phố. Nay ở độ tuổi 40 - lứa tuổi vàng, họ là những người phụ nữ trưởng thành, thành đạt, đang ở độ “chín” trong sự nghiệp và hạnh phúc gia đình.
Một thế hệ vàng

Họ là những người phụ nữ cùng sinh năm 1975 - nhịp đời của họ cùng chung với từng nhịp sống của thành phố. Nay ở độ tuổi 40 - lứa tuổi vàng, họ là những người phụ nữ trưởng thành, thành đạt, đang ở độ “chín” trong sự nghiệp và hạnh phúc gia đình.

Vẹn cả đôi đường

Sinh năm 1975 tại TPHCM, nhà văn Dương Thụy là tác giả của những tựa sách nổi tiếng, mang đậm dấu ấn của cuộc sống thành phố hiện đại như Dấu lặng trong điệp khúc, Con gái Sài Gòn, Hành trình của những người trẻ, Oxford thương yêu... Văn của Dương Thụy trong sáng và dễ đọc nhưng gửi gắm ý tứ về thời cuộc, về con người và tính nhân văn sâu sắc.

Từng công tác ở Báo Sinh viên Việt Nam, rồi làm Giám đốc truyền thông của tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi - Aventis, hiện nay là Giám đốc truyền thông đối ngoại ở Công ty Capital Land, nhưng mỗi năm Dương Thụy đều đặn công bố tác phẩm mới và cuốn sách nào ra đời cũng trở thành bán chạy nhất, dù chị không ứng dụng bất cứ một “giải pháp marketing” nào.

Dương Thụy quan niệm, công việc của nhà văn là người viết ra tác phẩm, còn những khâu còn lại thuộc về nhà xuất bản và sự thẩm định của công chúng. Đến nay, chị đã đến 22 nước châu Âu, châu Á và Mỹ. Đi nhiều giúp chị có những trải nghiệm phong phú và muốn chia sẻ với những độc giả trẻ, điều đó kích thích chị viết đều đặn. Về cuộc sống hiện tại, chị cho biết: Thực sự tôi luôn có một sự ngưỡng mộ đối với những người phụ nữ hiện đại, họ học tập miệt mài, sắc sảo trong công việc và khéo léo trong gia đình. Tôi may mắn có được một người chồng thông cảm và ủng hộ vợ hết mình trong cả sự nghiệp và nuôi dạy con cái. Và để “đền đáp” sự chia sẻ ấy, ngoài giờ làm việc, tôi dành hết thời gian còn lại cho “họ”. Tôi chỉ “ăn gian” một chút thôi để viết, khi có thể.

Tiến sĩ - bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng.

Còn ca sĩ Quỳnh Như thì sinh đúng vào ngày 30-4-1975. Năm 20 tuổi cô đoạt huy chương bạc tại cuộc thi Tiếng hát Quân khu 7 và được mời về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 trong 3 năm. Sau khi đoạt giải tư Tiếng hát truyền hình TPHCM, cô làm ca sĩ và MC cho các chương trình ca nhạc của Nhà hát Bến Thành, Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân khấu ca nhạc Lan Anh, Trống Đồng…

Ở tuổi 40, phương châm sống của Quỳnh Như là sự cân bằng, công việc và cuộc sống gia đình là hai yếu tố quan trọng mà chị luôn nỗ lực để dung hòa. Quỳnh Như luôn tự hào mình là thế hệ công dân đầu tiên của TPHCM và cô luôn tràn ngập niềm cảm hứng mỗi khi cùng với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 mang lời ca tiếng hát đi phục vụ đồng bào, chiến sĩ…

Nỗ lực vì cộng đồng

Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại bao bì Hiếu Hân - là con gái của một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Sinh ra ở chiến khu Tây Ninh nên chị được đặt tên là Thanh Bình để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. “Suốt 40 năm qua, tôi luôn tự hào với tên mình. Tôi được sống và lớn lên, học tập và làm việc trong nền độc lập, trong hòa bình thống nhất mà cha tôi và hàng triệu đồng đội giành được và không ít người đã ngã xuống để đổi lấy. Điều đó thúc giục tôi học tập, làm việc, mở rộng làm ăn cùng các nước trên thế giới để mang lại nhiều việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân đang sống, làm việc tại TPHCM”, chị nói với nụ cười rạng ngời.

Tiến sĩ - bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng là giảng viên bộ môn phụ sản (Đại học Y Dược TPHCM), đồng thời chị công tác tại Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Cha của chị là ông Tô Bửu Giám - từng là Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Ấn tượng của sinh viên trường y khoa về chị luôn là phong cách đặc biệt - giảng bài không dùng micro và thường mời sinh viên tham gia thảo luận trong bài giảng của mình. Giọng nói của chị vang và dứt khoát, có phần trái ngược với vẻ ngoài nhu mì.

Chị chia sẻ: “Cuộc đời của tôi toàn ở trên giảng đường. Cũng may là tôi sinh ra ở thời bình mới được học nhiều như vậy”. Sau 6 năm học đại học, tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ đa khoa tổng quát, chị tiếp tục chương trình bác sĩ nội trú, chuyên ngành phụ sản. Được giữ lại làm giảng viên tại bộ môn phụ sản (Đại học Y Dược TPHCM), chị vừa giảng dạy vừa theo học cao học về phụ sản khoa, sau đó lại tự tìm học bổng đi du học tại Vương quốc Bỉ. Về nước, chị chọn công việc giảng dạy và công tác ở Phòng Hợp tác quốc tế (Đại học Y Dược TPHCM).

Tiến sĩ - bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng từng có hai bài báo được giải thưởng quốc tế và cũng là tác giả của nhiều bài báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí Khoa học Quốc tế. Hiện nay, chị cũng tham gia vào nhóm thiện nguyện “Y học cộng đồng”. Chị quan niệm, ngoài khám - chữa bệnh, người làm nghề y còn nên tìm cách đưa kiến thức đến với người dân.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục