Năm học vừa qua là một năm học rất đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Học sinh, sinh viên cả nước phải nghỉ học kéo dài. Nhưng, với sự nỗ lực cao độ của ngành giáo dục và cả xã hội, chúng ta đã bảo đảm “tuy không đến trường nhưng không dừng việc học”. Với các hình thức học tập trực tuyến khi dịch bùng phát, rồi học bình thường khi tạm khống chế được dịch, học sinh cả nước đã kịp kết thúc năm học vào cuối tháng 6 cũng như tổ chức các kỳ thi vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 một cách an toàn.
Năm học mới 2020-2021 cũng sẽ đặc biệt không kém bởi phần lớn các thầy cô giáo chưa kịp nghỉ hè thì đã bắt đầu chuẩn bị cho một năm học mới với đầy thử thách phía trước khi dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Những ngày qua, gần như 100% giáo viên đã có mặt tại trường để lau dọn, vệ sinh, trang trí trường lớp, sẵn sàng cho lễ khai giảng an toàn của học sinh.
Đây là một mùa tựu trường, một lễ khai giảng thật “khác lạ” khi thầy cô, học sinh đến trường phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Lễ khai giảng năm nay sẽ diễn ra ngắn ngủi; chỉ có phần lễ mà không có phần hội, để bảo đảm an toàn phòng dịch. Ở nhiều nơi, nhà trường quy định, trừ 100% học sinh đầu cấp được dự lễ khai giảng, mỗi lớp chỉ cử 5 - 10 học sinh đại diện đi khai giảng. Hầu hết các địa phương đều chỉ đạo tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, chỉ từ 45 - 60 phút, nhưng vẫn phải đảm bảo sự trang trọng, phấn khởi cho giáo viên và học sinh, đặc biệt là các em đầu cấp.
Các trường học của TP Đà Nẵng - nơi còn nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, thông qua cổng thông tin điện tử của các trường và tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, thông tin để truyền tải đến học sinh, phụ huynh, giáo viên thông điệp năm học mới, trong đó điểm nhấn là chương trình tọa đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới” được phát sóng vào lúc 7 giờ ngày khai giảng 5-9 trên kênh DanangTV1 và DanangTV2, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng.
Tại thời điểm này, hơn 26.000 thí sinh lớp 12 của 27 tỉnh, thành vẫn đang chuẩn bị để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2 (do các em không thể dự thi đợt 1). Chúng ta đã kiểm soát tốt làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động dần phục hồi trở lại với trạng thái bình thường mới, trong đó có việc học.
Song, điều quan trọng hơn cả là sau tựu trường, ngành giáo dục phải thực thi tốt hướng dẫn an toàn trong trường học với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, để giáo viên, học sinh, phụ huynh có thể dễ dàng thực hiện; làm sao để bản thân mỗi em học sinh thân yêu luôn đề phòng dịch bệnh hiệu quả nhưng cũng không hoang mang, ảnh hưởng đến việc học tập. Mặt khác, cũng phải bảo đảm nguyên tắc bất di bất dịch: sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên phải được đặt lên hàng đầu.
Dịch vẫn còn khó lường! Chúng ta vẫn phải quyết liệt, nghiêm ngặt triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngành giáo dục phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Chúng ta cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhưng đồng thời cũng duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội, học hành, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của các biện pháp phòng chống dịch đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.