Mục tiêu lớn, thách thức nhiều

Trong phiên họp tháng 10-2007, Liên hiệp quốc đã bổ sung chỉ tiêu giảm 2/3 tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn tới năm 2015. Đây là một mục tiêu lớn nhưng cũng có rất nhiều thách thức đối với các quốc gia thành viên, nhất là những nước nghèo.

Trong phiên họp tháng 10-2007, Liên hiệp quốc đã bổ sung chỉ tiêu giảm 2/3 tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn tới năm 2015. Đây là một mục tiêu lớn nhưng cũng có rất nhiều thách thức đối với các quốc gia thành viên, nhất là những nước nghèo.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em bị chết do mắc bệnh truyền nhiễm trên thế giới đã giảm đi rất nhiều. Một trong những nhân tố rất quan trọng để đạt được mục tiêu trên là thực hiện tiêm chủng dự phòng, trong đó chương trình quan trọng nhất là tiêm chủng mở rộng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ cần phủ kín 90%, hàng năm đã có trên 3 triệu trẻ em không bị chết do các bệnh truyền nhiễm. Do đó, phủ kín tiêm chủng mở rộng cho trẻ em cũng là mục tiêu lớn mà WHO đặt ra cho toàn thế giới.

Tại Việt Nam nhiều năm trước, Chính phủ cũng đã thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng với 6 loại vaccine cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Đến nay, chương trình đã bao phủ 100% số phường xã cả nước, đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ hơn 90% với 8 loại vaccine cơ bản phòng các bệnh: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan siêu vi B và viêm phổi do Hemophilus influenza.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta đã góp phần dự phòng cho 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 11 bệnh truyền nhiễm và cứu hàng chục ngàn trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

Bên cạnh chương trình tiêm chủng phòng ngừa 11 loại bệnh cho trẻ em, Chính phủ còn triển khai nhiều chương trình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai; chương trình mục tiêu chiến lược về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; chương trình chiến lược tầm soát các bệnh mãn tính không lây (tiểu đường, tim mạch, hen, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn đường hô hấp, ung thư)... Đối với các chương trình này, phần lớn người dân được thụ hưởng miễn phí từ ngân sách quốc gia và sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO.

Từ khi triển khai hoạt động bảo hiểm y tế (BHYT) và nhất là sau khi Luật BHYT có hiệu lực, người dân được tiếp cận với rất nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Quyền lợi của người dân được đảm bảo thông qua các gói dịch vụ y tế cơ bản. Điều 36 Luật BHYT 2008 quy định quyền lợi của người tham gia BHYT gồm: được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định; được tổ chức BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT; được quyền yêu cầu và được giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT… Dự thảo mới về Luật BHYT 2014 tính tới nay đã được sửa đổi, bổ sung 28/52 điều với 44 mục so với luật 2008. Trong đó, đáng chú ý là các quy định như: BHYT thanh toán 100% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, người bệnh có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm và số tiền chi trả cho y tế trong 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; bắt buộc mọi người phải tham gia BHYT…

Tuy nhiên, nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như việc đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu đang gặp thách thức rất lớn. Đối với chương trình tiêm chủng cho trẻ em, do năng lực còn hạn chế, các vaccine sản xuất trong nước còn thiếu về chủng loại. Nhiều vaccine trong nước chưa sản xuất được phải nhập của nước ngoài, gây tốn kém ngoại tệ, bị động về số lượng cũng như thời điểm thực hiện tiêm chủng. Ngay cả các loại vaccine trong nước đã sản xuất được thì chất lượng còn thấp. Một số vaccine khi tiêm chủng đã gây những phản ứng phụ cho trẻ, làm mất lòng tin cho các bậc cha mẹ. Rất nhiều phụ huynh không cho con em đến các điểm tiêm chủng mở rộng mà chuyển sang chích ngừa dịch vụ mặc dù giá cả rất cao trong khi chất lượng không chênh lệch bao nhiêu.

Đối với các chương trình khác như chiến lược về phòng chống HIV/AIDS lại càng gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tiễn. Mặc dù đã được tuyên truyền rộng rãi trên cả nước trong nhiều năm qua, song sự nhận thức không đầy đủ xen lẫn mặc cảm đã làm cho những người mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao không tự nguyện đến với chương trình. Riêng đối với chương trình tầm soát các bệnh mãn tính không lây (như tiểu đường, tim mạch, hen, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn đường hô hấp, ung thư…) cũng gặp khó khăn bội phần khi những bệnh này không phải là bệnh do virus gây ra cho nên không thể phòng ngừa bằng tiêm chủng.

Trước những thách thức đặt ra, đòi hỏi ngành y tế phải tăng cường nguồn lực, tập trung khắc phục những điểm yếu, những vấn đề tiêu cực để luôn đảm bảo được các dịch vụ y tế thiết yếu đến được với các tầng lớp nhân dân. Có như vậy, ý nghĩa nhân đạo của những chương trình và dịch vụ y tế thiết yếu mới ngày càng được thể hiện rõ và đi vào lòng dân.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục