Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng đảo trên biển Đông

Trong cuộc gặp với một vị tướng cấp cao của Trung Quốc tại Washington ngày 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter một lần nữa kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông.
Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng đảo trên biển Đông

Trong cuộc gặp với một vị tướng cấp cao của Trung Quốc tại Washington ngày 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter một lần nữa kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông.

Mỹ, Australia cứng rắn với Trung Quốc

Chuyến thăm Lầu Năm Góc của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng xung quanh việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng các đảo ở biển Đông và hàng loạt các vụ tin tặc tấn công các hệ thống mạng của Mỹ được phía Mỹ cho là từ Trung Quốc.

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và tướng Phạm Trường Long, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố: “Ông Carter khẳng định lại quan ngại của Mỹ về biển Đông và kêu gọi Trung Quốc cùng tất cả các bên ngừng xây dựng trên các đảo, ngừng hoạt động quân sự và theo đuổi một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Carter trước đó đã cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế trong các hoạt động của nước này ở biển Đông. Điều đáng chú ý là sau cuộc gặp nói trên, đã không có cuộc họp báo chung như các chuyến thăm trước đây giữa các quan chức quân sự hai nước.

Trong khi đó, Australia đã phản bác những yêu cầu của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đòi đe dọa máy bay Australia ở biển Đông. Tờ The Australian dẫn lời Phó Đô đốc Australia David Johnston cho biết, tàu và máy bay của Australia đang hoạt động ở khu vực biển Đông là một phần của “hoạt động bình thường”. Phó Đô đốc David Johnston nói rằng Australia thường xuyên tiến hành các hoạt động trong nhiều năm qua ở biển Đông. Các lực lượng Quốc phòng Australia cũng vừa kết thúc một cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, gồm các bài tập ở biển Đông nhằm tăng cường quan hệ giữa Malaysia, Singapore, New Zealand và Vương quốc Anh. “Điều quan trọng là chúng tôi đóng góp vào sự ổn định ở một phần của thế giới”, Phó Đô đốc Johnston nói. Phát biểu này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Australia Julie Bishop có bài diễn văn trước Viện Lowy ở Sydney hôm 11-6 rằng, Australia sẽ phản đối nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Canberra rất quan ngại Trung Quốc đưa vũ khí hạng nặng lên các đảo ở biển Đông sau khi lập ADIZ vì 60% hàng xuất khẩu và 40% hàng nhập khẩu của Australia đi qua biển Đông. Chính vì vậy, Australia đang thúc giục Trung Quốc sớm ký kết Quy tắc ứng xử biển Đông (COC). Theo bà Bishop, điều này sẽ tránh hành động có thể gây căng thẳng có thể dẫn đến xung đột.

Hải quân Hoàng gia Australia sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông.

ARF bàn về biển Đông

Trong một diễn biến có liên quan đến tình hình biển Đông, từ ngày 8 đến 11-6, đã diễn ra phiên họp các quan chức cấp cao Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) tại thành phố Kuching, thủ phủ bang Sarawak, Malaysia. Hoạt động khai hoang gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông và những nỗ lực để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là 2 chủ đề chính của cuộc họp của các đại biểu đến từ 20 nước thành viên. Kyodo dẫn lời ông Shahrul Ikram Yaakob, thành viên đoàn Malaysia, cho biết: “Tình hình ở biển Đông đã được tất cả những người tham gia thảo luận và một số đại biểu đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo trong khu vực”. Cũng theo ông này, chủ đề chính trong các cuộc đàm phán là ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với nhau để giải quyết một số vấn đề liên quan đến biển Đông. Cuộc họp lần này cũng là để chuẩn bị cho các cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN được tổ chức tại Kuala Lumpur trong tuần đầu tiên của tháng 8. Các quan chức cấp cao tham dự cuộc họp ARF ngoài ASEAN còn có Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong Guk. Nguồn tin chính thức cho biết đoàn đại biểu của Trung Quốc đã rời cuộc họp sớm sau khi tiếp tục khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và khẳng định quyền của Trung Quốc tiến hành cải tạo cũng như tiến hành các hoạt động khác trong vùng biển này. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động của Trung Quốc ở các vùng đất họ mới xây dựng trái phép ở biển Đông không mang bản chất vì hòa bình.

Ngày 12-6, nhân kỷ niệm 117 năm Ngày tuyên bố độc lập của Philippines, nhiều tổ chức ở quốc gia Đông Nam Á này đã phát động các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Liên minh mới được thành lập Người Philippines đoàn kết vì chủ quyền (P1NAS) và Phong trào Không chịu khuất phục (No To Subjugation) đã tổ chức các cuộc biểu tình riêng rẽ trước Văn phòng lãnh sự Trung Quốc ở thủ đô Manila để lên án những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục