Mỹ vẫn bơm tiền cho cỗ máy chiến tranh

Tờ New York Times vừa qua cho biết Đô đốc William McRaven, người đứng đầu Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt (SOCOM) của quân đội Mỹ, đã phát động chiến dịch vận động yêu cầu quyền tự quyết lớn hơn trong việc điều động các đội “sát thủ ưu tú” đến mọi ngóc ngách của thế giới.

Đề xuất của ông McRaven “cũng yêu cầu cho phép các lực lượng SOCOM mở rộng sự có mặt của họ tại các khu vực mà họ không hoạt động với số lượng lớn trong thập kỷ qua, nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”. Nhận định về thông tin này, một bài viết trên mạng tin Global Research cho biết, cỗ máy chiến tranh Mỹ vẫn vận hành trơn tru dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và thế giới tiếp tục phải đối mặt với các cuộc chiến tranh có sự góp mặt của Mỹ.

Việc rút quân khỏi Iraq và rút hàng chục ngàn quân tại Afghanistan đang được Mỹ bù lại bằng việc sử dụng thêm các lực lượng đặc nhiệm. Tại Iraq, một phần của các lực lượng đặc nhiệm sẽ được giữ lại một cách bí mật, hoạt động dưới vỏ bọc dân sự, trong khi một số khác đang được triển khai tại Kuwait. Tại Afghanistan, khoảng 9.000 thành viên của lực lượng đặc nhiệm sẽ vẫn ở lại quốc gia Nam Á này, sau thời hạn rút quân chính thức của NATO vào năm 2014. SOCOM bao gồm cả những đơn vị thuộc Bộ chỉ huy các hoạt động đặc nhiệm liên quân (JSOC), trong đó có lực lượng Hải cẩu (Seal) của hải quân và Mũ nồi xanh của lục quân, đang thực hiện các sứ mạng chiến đấu tại nước ngoài.

Trong thập kỷ qua, các cuộc chiến Iraq và Afghanistan liên quan tới 80% hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm. Chính quyền Tổng thống Obama ngày càng phụ thuộc vào các đơn vị quân đội tinh nhuệ này. Đây là đội quân bí mật dưới sự chỉ huy của Tổng thống Mỹ và không phải chịu trách nhiệm với cơ quan nào khác. JSOC, giống như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được quyền lập danh sách các đối tượng khủng bố và thực hiện các sứ mạng ám sát. Không giống như CIA, JSOC không cần một sắc lệnh của tổng thống để thực hiện các hoạt động bí mật.

SOCOM vẫn được ưu tiên về kinh phí trong bối cảnh ngân sách của Lầu Năm Góc bị cắt giảm. Một quan chức cấp cao của SOCOM đã xác nhận rằng kinh phí của họ tiếp tục được tăng lên. Phát biểu tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội các ngành công nghiệp quốc phòng, tổ chức vận động hàng lang chủ chốt của tổ hợp quân sự - công nghiệp Mỹ, Tướng Bradley Heithold - Phó chỉ huy của SOCOM - đã nhấn mạnh: “Do chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động chống khủng bố trên thế giới, nên Lầu Năm Góc đã có kế hoạch tăng quân số của lực lượng này lên 70.000 người”. Kể từ năm 2001, quân số của SOCOM đã tăng gấp đôi, lên 66.000 người hiện nay, trong khi ngân sách của họ đã tăng từ 4,2 tỷ USD lên 10,5 tỷ USD.

Quân số của JSOC còn tăng ấn tượng hơn, từ mức 1.800 người (năm 1980) lên hơn 25.000 người hiện nay. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ hiện đã được triển khai ở hơn 75 quốc gia, từ Cộng hòa Dominica và Peru, tới Philippines, Yemen, Somalia và Trung Á.

Bài viết kết luận, nếu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang thảo luận việc tăng cường sử dụng SOCOM như một lực lượng tấn công toàn cầu thì đó thật sự là nỗi lo cho sự bình yên của thế giới.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục