Theo Tiến sĩ Đinh Phương Duy (Học viện Cán bộ TPHCM), với tốc độ đô thị hóa và phát triển mạnh như hiện nay, các hành vi giao thông ở TPHCM vẫn chưa được thể hiện một cách “văn minh thường xuyên” và chính điều này cũng đã làm cho vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông thêm phần nghiêm trọng.
Dễ nhận thấy, tại các khu vực vòng xoay như ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Cộng Hòa (quận Tân Bình)…, lượng người và xe lưu thông qua đây thường kẹt cứng vào giờ cao điểm. Mặc dù khu vực này có đèn tín hiệu giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực phân luồng, nhưng lúc kẹt xe, không ít người dân vẫn tranh thủ chen lấn, vượt đèn đỏ để được việc cho mình, khiến giao thông càng thêm rối.
Hoặc như, tại tuyến đường Đông Bắc giao cắt Tô Ký (quận 12), mặc dù nơi đây bố trí đèn tín hiệu giao thông rất hợp lý (kéo dài 74 giây, để chờ người dân lưu thông trên tuyến đường Tô Ký; đồng thời chờ người dân rẽ trái từ đường Tô Ký vào Đông Bắc), nhưng nhiều người tham gia giao thông thiếu ý thức vẫn lấn đường, vượt đèn đỏ vô cùng nguy hiểm. Rõ ràng đèn đường trên giao lộ Tô Ký - Đông Bắc rất hợp lý, hạn chế tình trạng xe được đi thẳng, rẽ trái cùng thời điểm đèn xanh bật sáng ở giao lộ, nhưng người tham gia giao thông thiếu ý thức lại xem đây là thời cơ vượt đường.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy nhận định, các giải pháp tâm lý, giáo dục có thể góp phần cùng các giải pháp hành chính, kinh tế, xã hội, khoa học để cải thiện tình hình kẹt xe, mất trật tự an toàn giao thông. Thay đổi hành vi giao thông là thay đổi thói quen giao thông thông qua các tác động tâm lý, xã hội. Riêng với lớp trẻ TPHCM, nên xây dựng lòng tự hào về thành phố cho các em. Một khi có cảm giác tự hào về nơi mình đang sống, đang hoạt động thì họ sẽ thể hiện cảm xúc đó qua các hành vi phù hợp.
Ngành giao thông vận tải có thể kết hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tổ chức thực hiện các chương trình giới thiệu về hình ảnh giao thông văn minh của thành phố. Việc thay đổi hành vi giao thông không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông hay các lực lượng chức năng, mà cần có kế hoạch huy động nhiều lực lượng điều tiết, điều chỉnh con người trong việc thực hành hành vi giao thông an toàn.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, đề xuất nên mở cuộc vận động có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành, truyền thông, các trường đại học, cao đẳng… để khôi phục thói quen đi bộ, đi xe đạp của người dân. Ông dẫn chứng, khoảng 25 năm trước, người dân Việt Nam có thói quen đi bộ, đi xe đạp, ăn nhiều rau xanh. Có lẽ vậy mà thời đó tuy đói khổ nhưng ít bệnh nan y như bây giờ. Ngược lại, hiện nay khi ra chợ, ra quán cách nhà chỉ vài trăm mét nhưng cũng phóng xe máy đi mua hàng, vô tình góp phần gia tăng tình trạng kẹt xe, tắc đường.
Trong khi đó ở các nước phát triển như Pháp, Thụy Điển, Áo, Bỉ…, người dân được khuyến khích đi xe đạp nên xe đạp phát triển rất mạnh. Chính phủ của họ tạo mọi điều kiện như có làn đường riêng, bãi xe riêng cho xe đạp. Còn ở nước ta, chúng ta hoàn toàn làm được điều này nếu chính quyền thực sự muốn, hướng tới việc vừa giải quyết tình trạng kẹt xe vừa nâng cao sức khỏe cộng đồng.
GIA HÂN