Để duy trì một xã hội ổn định và phát triển, bên cạnh hàng loạt giải pháp tổng thể như đầu tư và phát triển kinh tế - văn hóa - khoa học và giáo dục, xây dựng và bảo vệ đất nước thì yếu tố rất quan trọng đó là chăm lo cho đời sống cả về vật chất và tinh thần cho mỗi người dân, thực hiện tốt các chính sách về phúc lợi xã hội, trong đó phải kể tới việc nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước đang có khoảng gần 55 triệu người lao động và đang trong độ tuổi lao động. Vai trò của công đoàn là tổ chức phong trào, chăm lo đời sống, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đàm phán với doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề luôn được nhiều người quan tâm và cũng nhắc đi nhắc lại suốt nhiều năm qua là làm cách nào để giúp người lao động có thể nâng cao thu nhập, có việc làm tốt và ổn định trong bối cảnh mức lương tối thiểu luôn dưới mức sống tối thiểu, rất nhiều lao động vẫn còn rất khó khăn do trượt giá, thiếu việc làm…
Để chăm lo tốt hơn cho người lao động, Nhà nước đã có nhiều chính sách và liên tục xem xét, điều chỉnh lại về tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong khu vực sản xuất, lương cơ bản chung cho cán bộ công nhân viên chức trong khối sự nghiệp, quốc phòng.
Đối với khu vực sự nghiệp hưởng lương ngân sách, từ năm 2003 đến 2013, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương cơ bản, từ 210.000 đồng lên 1.150.000 đồng/tháng vào năm 2013 và áp dụng cho đến nay, tăng hơn 400%. Khối sản xuất cũng được Chính phủ nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp lẫn nhu cầu sống tối thiểu của công nhân và người lao động.
Thế nhưng trên thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia lao động tiền lương thì như mức lương tối thiểu của khối sự nghiệp hưởng lương ngân sách, mới chỉ đạt khoảng 35,6% - 46% nhu cầu chi tiêu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng) và cũng chỉ bằng 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng). Để tháo gỡ bất cập này, Chính phủ hiện đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp về tiền lương, triển khai lộ trình tăng lương cho người lao động.
Song điều đáng nói ở đây, nâng cao mức lương - mức sống tối thiểu, thậm chí để giúp người dân trở nên no đủ và khá giả hơn không thể chỉ trông dựa hoàn toàn vào các chính sách của nhà nước về tăng lương, quy định mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản chung… theo kiểu “lương đuổi theo giá” cũng như các chính sách về phúc lợi mà có lẽ, chúng ta cần phải tháo gỡ từ “gốc tới ngọn”, đó là vấn đề công ăn việc làm và năng suất lao động, giải quyết tình trạng thiếu việc làm - thất nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và lao động. Cải cách tiền lương chỉ là “phần ngọn”.
Chính năng suất lao động và đi đôi với chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc là thước đo, tiêu chí và cơ sở để người lao động cũng như doanh nghiệp tăng thu nhập cho chính mình. Nhưng theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á cho thấy, năng suất lao động của người Việt Nam hiện nay thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN. So sánh với một số nước, chúng ta thấp hơn Singapore tới 14 lần, thấp hơn Thái Lan gần 2 lần. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 18% trong tổng số lao động. Cả nước có gần 900.000 người thất nghiệp, 1,2 triệu lao động thiếu việc làm.
Điều đó lý giải vì sao thu nhập của lao động Việt Nam thua xa so với Singapore và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Và chính điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải đầu tư mạnh hơn cho đào tạo nghề, nâng cao tay nghề trình độ, phát triển khoa học công nghệ - kỹ thuật. Nâng cao năng lực lao động không chỉ làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao mà còn là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục tạo ra nhiều công ăn việc làm, cơ hội tăng thu nhập.
Song như thế vẫn chưa đủ, chúng ta đều biết rằng không thể thiếu vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ trong việc điều hành nhịp nhàng các chính sách về kinh tế - xã hội, thúc đẩy hàng loạt giải pháp tổng thể như đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hóa, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và lao động… đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, có chính sách đúng thực tế hơn. Quá trình phát triển đã chứng minh vai trò của kinh tế tư nhân trong việc tạo công ăn việc làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm - dịch vụ và thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa…
Bên cạnh đó, cùng với chăm lo cho người lao động thông qua hàng loạt chính sách phúc lợi, tháo gỡ những bất cập về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì cũng cần kiểm soát chặt chẽ giá cả, giảm thiểu những tác động do lạm phát và chống trượt giá để không ảnh hưởng xấu tới nhu cầu sống của người lao động có thu nhập thấp và người nghèo. Công đoàn cần làm tốt hơn vai trò của mình không chỉ chăm lo đời sống mà còn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, thực sự trở thành cầu nối trong đàm phán thỏa ước giữa lao động và doanh nghiệp, đảm bảo những lao động có chuyên môn được hưởng mức lương - thu nhập tương xứng với năng lực và trình độ.
PHÚC HẬU