Nâng cao trình độ quản lý, đầu tư phát triển khoa học - công nghệ

Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) quốc gia (Nafosted) được xem là mô hình đột phá trong quản lý KH-CN Việt Nam, hướng đến chất lượng nghiên cứu ngang bằng quốc tế với môi trường học thuật khách quan, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích sáng tạo…
Các nhà khoa học và cán bộ quản lý Nafosted nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH-CN” do Bộ KH-CN tặng
Các nhà khoa học và cán bộ quản lý Nafosted nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH-CN” do Bộ KH-CN tặng

Mô hình mới trong quản lý 

Nhằm tổng kết và đánh giá hoạt động của quỹ giai đoạn 2008-2018, Nafosted vừa tổ chức hội nghị tổng kết báo cáo kết quả 10 năm hoạt động với sự tham dự của lãnh đạo Bộ KH-CN cùng các nhà khoa học, đại diện các tổ chức KH-CN và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Trong 10 năm hoạt động, Nafosted đã được cộng đồng các nhà khoa học ghi nhận, trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ quen thuộc của các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu KH-CN. Sự tài trợ của Nafosted đã góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực KH-CN, nâng cao năng suất KH-CN quốc gia, chất lượng nghiên cứu; đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề KH-CN cấp thiết; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH-CN... 

Nafosted được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP (ngày 22-10-2003) của Chính phủ và bắt đầu hoạt động từ tháng 2-2008. Quỹ triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2009 với chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, trong đó có thiết lập cơ chế quản lý khoa học, thúc đẩy chất lượng và hội nhập trong hoạt động KH-CN. 

Sau đó, hoạt động của quỹ từng bước được mở rộng về lĩnh vực, đối tượng và phương thức tài trợ, hỗ trợ. Giai đoạn 2015-2018, quỹ thực hiện Điều lệ tổ chức và hoạt động mới do Chính phủ ban hành theo Nghị định 23/2014/NĐ-CP (ngày 3-4-2014). Các hoạt động của quỹ hướng tới tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình tài trợ, hỗ trợ, thống nhất phương thức tổ chức thực hiện giữa lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn; tăng cường hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh, nguồn lực KH-CN, hoạt động hợp tác quốc tế. Đến nay đã có hơn 10.000 lượt nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trên 2.400 tiến sĩ được đào tạo, trên 4.000 bài báo theo tiêu chuẩn ISI quốc tế được công bố, thông qua gần 2.800 đề tài nghiên cứu được quỹ tài trợ, hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Nafosted Phạm Công Tạc cho biết, đây là mô hình mới trong quản lý KH-CN ở Việt Nam, qua đó gần hơn với mô hình của thế giới và ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng các nhà khoa học. Hàng năm Nafosted tài trợ trên 300 nhiệm vụ KH-CN với hàng ngàn lượt nhà khoa học tham gia. Ngoài việc giải quyết các vấn đề đặt ra, các nhiệm vụ KH-CN đã đưa lại một lượng lớn sản phẩm khoa học. Số lượng công trình công bố ISI là sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu cơ bản do Nafosted tài trợ được duy trì, chiếm khoảng 20% - 25% công bố ISI tính cho Việt Nam và ước tính chiếm trên 50% số công trình công bố ISI được tài trợ từ ngân sách nhà nước.

Tạo điều kiện phát triển

Riêng trong năm 2018, Nafosted đã tập hợp các kết quả hoạt động giai đoạn 2008-2018 và thực hiện đánh giá kết quả, tác động theo từng chương trình tài trợ, hỗ trợ trong giai đoạn trên. Điều tra về tác động tài trợ, hỗ trợ của quỹ đối với nhà khoa học và nhóm nghiên cứu. Các kết quả hoạt động của giai đoạn, đánh giá chương trình tài trợ, hỗ trợ và ý kiến của các nhà khoa học cũng được tổng hợp nhằm phản ánh các hoạt động quản lý điều hành, chương trình tài trợ, hỗ trợ của quỹ một cách trung thực và toàn diện, để báo cáo các cơ quan quản lý và cộng đồng khoa học về kết quả hoạt động của quỹ trong giai đoạn 10 năm qua.

Các nhà khoa học đánh giá hoạt động của Nafosted đã khẳng định rõ nét vai trò của nghiên cứu cơ bản trong sự phát triển chung của ngành KH-CN nước nhà; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai thông qua các chương trình tài trợ, nâng cao uy tín của KH-CN Việt Nam đối với quốc tế. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của quỹ, các nhà khoa học mong muốn trong thời gian tới cần bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách về KH-CN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Các nhà khoa học góp ý, Nafosted nên đẩy mạnh việc tài trợ dài hạn cho các công trình nghiên cứu tiềm năng, có nhiều hơn các chương trình tài trợ mới, không chỉ nghiên cứu cơ bản mà cả trong nghiên cứu ứng dụng.

Đánh giá những thành tựu của Nafosted và trân trọng những đóng góp của các nhà khoa học trong 10 năm qua, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nêu rõ: “Đây là chặng đường phát triển và đổi mới mạnh mẽ, chặng đường gắn với kết quả hoạt động và đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học. Nafosted không chỉ là mô hình gắn với đột phá trong cơ chế quản lý, mô hình quản lý hướng đến chất lượng nghiên cứu gần với quốc tế mà còn là môi trường học thuật khách quan minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích sáng tạo. Thành tựu đó có được do nỗ lực rất lớn của đội ngũ những người làm quản lý, sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng các nhà khoa học”. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, với trách nhiệm quản lý, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để Nafosted cũng như cộng đồng các nhà khoa học trong thời gian tới phát triển mạnh hơn nữa. 

Qua 10 năm hoạt động, Nafosted đã khẳng định được vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước, trở thành một thương hiệu gắn với chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam, được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý KH-CN tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục