Nhắc lại về điều kiện thi tuyển vào trường có từ hơn 10 năm trước là “chiều cao tối thiểu với thí sinh dự tuyển các ngành đào tạo giáo viên: nữ 1,5m; nam 1,55m”, Trường Đại học Sư phạm không phải không có lý khi cho rằng, điều kiện về chiều cao nhằm phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, có khả năng thích nghi và sức bền nghề nghiệp trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục.
Đó là chưa kể, theo quy định, bảng treo ở lớp học cách nền phòng học 0,65-0,80m với trường tiểu học và 0,8-1m bậc trung học cơ sở. Thật tế nhị về hình ảnh thầy cô phải kiễng chân để trình bày trên bục giảng. Do đó, chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề nghiệp. Và đó cũng là đặc thù cần thiết ở ngành đào tạo này.
Tuy nhiên, câu chuyện yêu cầu “nâng cao tầm thước giáo viên” không khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều bằng vấn đề về “nâng cao chất lượng giáo dục”, mà trước hết là chất lượng đào tạo giáo viên. Lâu nay, trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông, đã nổi lên hiện tượng thừa - thiếu giáo viên. Cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp, nhưng cũng thiếu tới 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức.
Cùng với đó là hiện tượng người học không muốn vào các ngành sư phạm. Cả nước hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên; trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Mùa tuyển sinh 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 xuống 35.000 người). Trừ một vài trường sư phạm có bề dày chuyên môn ở thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu.
Thực tế là công tác quy hoạch, dự báo đào tạo sư phạm từ trung ương đến các địa phương rất hạn chế, thiếu chính xác khi có quá nhiều (155) cơ sở giáo dục tham gia đào tạo giáo viên. Các trường đều tăng quy mô để có nguồn thu cho hoạt động của trường, ít quan tâm đến năng lực và cơ hội việc làm của người học. Đó cũng là lý do chính khiến ngành sư phạm đứng đầu về tỷ lệ thất nghiệp. Không ít ý kiến cho rằng, việc đào tạo giáo viên - vốn cực kỳ quan trọng đối với nền giáo dục, lại đang trong tình trạng “trôi nổi”.
Ngày trước, muốn vào học đại học, cao đẳng sư phạm rất khó. Các ngôi trường đào tạo ra người thầy trên cả nước đều rất chuẩn mực. Thế nhưng, sau này, chất lượng đào tạo sư phạm không còn giữ được như vậy, thậm chí có một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hệ quả là học sinh, xã hội lãnh đủ. Để tìm được những thầy cô giáo kiến thức uyên thâm, đạo đức sáng ngời, được xã hội kính trọng, có thể truyền cảm hứng lớn lao cho học trò, xã hội ngày nay thật hiếm, dù số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngày càng nhiều.
Xã hội, các chuyên gia, Quốc hội, báo chí bàn nhiều về chương trình - sách giáo khoa, về thi cử, về vai trò quan trọng của người thầy đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo..., nhưng có một vấn đề chưa được đề cập nhiều, đó chính là các trường đào tạo sư phạm - nơi đào tạo ra những người thầy - vốn có vai trò quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Nếu chất lượng đào tạo ở đây không được bảo đảm, thì hệ quả tất yếu là xã hội sẽ không thể có được một đội ngũ thầy giáo như mong muốn.
Đào tạo sư phạm đã phải đến lúc được chấn chỉnh một cách quyết liệt để bảo đảm sự uy nghi của môi trường sư phạm, của người thầy. Việc chấn chỉnh đó phải bắt đầu từ cảnh quan trường sư phạm, từng hàng cây, ghế đá, thái độ của ông bảo vệ… đến chương trình, nội dung đào tạo cũng như chất lượng đầu vào, chính sách để hút người giỏi vào ngành sư phạm, kể cả tiêu chuẩn đầu vào phải ngày càng khắt khe hơn hiện nay.