Bộ phim truyền hình Về nhà đi con dù đã kết thúc các tập phát sóng chính thức nhưng sức nóng của nó vẫn chưa hạ nhiệt khi phần ngoại truyện mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho khán giả. Không riêng các phim trên sóng VTV, phim truyền hình Việt nói chung đang chuyển động không ngừng để thu hút khán giả. Ngoại truyện được coi là “đặc sản” thú vị của các bộ phim đã và đang phát sóng trên giờ vàng của VTV. Trước đó, nhiều bộ phim gây sốt như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán… cũng thực hiện hình thức này. Tất nhiên, món ăn mới đó không phải lúc nào cũng “ngon miệng” và làm hài lòng khán giả.
Có những phần ngoại truyện đưa khán giả đến một câu chuyện với những tình tiết mới. Lại có phần ngoại truyện giống thước phim quảng cáo nhằm “trả lễ” nhà tài trợ của phim. Nhưng, dù được thực hiện như thế nào thì không thể phủ nhận được đây là chiêu thức cao tay của nhà sản xuất. Việc không phát sóng trên truyền hình mà chọn các nền tảng online cho thấy mong muốn tiếp cận đa dạng và đa chiều các đối tượng khán giả khác nhau. Và, thực hiện các phần phim ngoại truyện chỉ là một trong số những cách nhằm thu hút khán giả với phim truyền hình.
Thời gian gần đây, một số phim truyền hình Việt đã áp dụng mô hình rất thành công của các phim truyền hình Hàn Quốc, sản xuất theo hình thức “cuốn chiếu” - tức là vừa sản xuất vừa thăm dò ý kiến và có thay đổi kịp thời nhằm đáp ứng thị hiếu khán giả. Những bộ phim: Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Chạy trốn thanh xuân, Nàng dâu order… đều được thực hiện theo dạng này. Mặt tích cực là nội dung phim được biến chuyển linh hoạt, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của số đông khán giả. Tuy nhiên, hình thức làm phim này đòi hỏi đội ngũ biên kịch, sản xuất phải luôn trong tâm thế chủ động, sáng tạo và có sự thích nghi rất nhanh để không bị lạc nhịp đường dây câu chuyện. Thực tế, Về nhà đi con hay Gạo nếp gạo tẻ dù vẫn được khán giả yêu mến nhưng việc tăng số lượng tập lên đến 15-20 tập so với dự kiến ban đầu, càng về sau câu chuyện có phần vụn vặt, phần nào thiếu đi sự chặt chẽ và khúc chiết như mở màn.
So với hình thức làm phim truyền thống, kinh phí sản xuất phim truyền hình là một bài toán không đơn giản và hình thức này thường ngốn kinh phí cao hơn. Khi số lượng phim Việt hiện nay được làm cuốn chiếu vẫn chưa phải quá nhiều, để tìm ra phương pháp tối ưu nhất, cần nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế. Những nỗ lực của các ê kip làm phim vẫn là điều rất đáng được ghi nhận.
Một tín hiệu tích cực khác, đó là sự giao thoa nhằm xóa đi ranh giới vùng miền. Có lẽ diễn viên Quốc Trường - người thủ vai Vũ trong Về nhà đi con không thể đoán trước được sức ảnh hưởng, yêu mến của khán giả khắp cả nước dành cho mình, dù trước đó anh đã tham gia nhiều dự án phim truyền hình. Hiện nay, nhiều phim trên sóng giờ vàng của VTV liên tục có sự xuất hiện của những gương mặt diễn viên miền Nam: Lan Phương, Nhã Phương, Lương Thế Thành, Nhan Phúc Vinh, Chí Thiện, Ngân Quỳnh… Mới đây nhất, bộ phim lấy bối cảnh miền Tây với toàn bộ dàn diễn viên miền Nam - Bán chồng cũng lên sóng trên khung giờ vàng của VTV3. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC chia sẻ điều này đáp ứng nhu cầu của khán giả khi luôn mong muốn được thưởng thức những bộ phim chất lượng. Bên cạnh đó, khán giả phía Bắc luôn mong muốn hiểu thêm về đời sống, con người ở mảnh đất phương Nam. Sau trào lưu Nam tiến của rất nhiều diễn viên phía Bắc, thì nay trào lưu Bắc tiến đã mang đến màu sắc đa dạng, khiến bức tranh phim truyền hình Việt ngày càng phong phú. Thành công khi Bắc tiến của nhiều diễn viên đã minh chứng cho điều đó.