Đọc “Tiếng khóc của nàng Út” của nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nàng Út khóc cho ai?

Nàng Út khóc cho ai?

Câu chuyện được miêu tả, dàn dựng trong tiểu thuyết có bối cảnh ở miền Trung, chủ yếu là địa bàn đất Quảng, sau khi Hiệp định Genève ký kết. Đây là thời điểm cách mạng miền Nam rơi vào thảm họa cực kỳ đen tối, giặc Mỹ và tay sai ra sức đàn áp người kháng chiến, khủng bố dân lành. Tiểu thuyết không tập trung vào một đường dây nhân vật, theo một cốt truyện nhất định, thoạt đọc có vẻ bị phân tán, nhưng đọc kỹ vẫn thấy được sự gắn kết của các tuyến nhân vật.

Nàng Út khóc cho ai? ảnh 1

Viết về thời kỳ từ năm 1954 tới năm 1959, ở vùng đất Quân khu 5, Nguyễn Chí Trung không xoáy sâu vào một sự kiện nào. Nhìn về bố cục không gian, thời gian của tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út có thể nói là lỏng lẻo, nhưng với cấu trúc hiện đại, là có thể chấp nhận được. Nguyễn Chí Trung tập trung miêu tả con người, các sự kiện ông nêu cũng chính là để nêu bật tính cách con người. Mỗi nhân vật đều mang bề dày lịch sử.

Có lúc, ông để nhân vật kể về gốc tích vùng đất Bàu Ốc, bàn luận về thời vua Thánh Tông, về hình thành tiếng nói người xứ đàng trong... Cái âm hưởng kể chuyện xưa này khiến tác phẩm có chiều sâu về văn hóa cổ. Nếu người đọc quen thưởng thức những cuốn sách tròn trặn, có thể đánh giá viết như vậy là dàn trải, lan man, nhưng thực ra, tất cả nằm trong ý tưởng của tác giả.

Nhân vật trong tiểu thuyết này xuất hiện không liên tục, mà qua các trường đoạn, nhiều lúc bị ngắt quãng, nhưng đọng lại trong lòng người đọc nhờ những tính cách độc đáo thể hiện qua những hoàn cảnh cũng rất cá biệt. Nguyễn Chí Trung xây dựng nhân vật theo hai dạng. Một dạng hiện thực, như Toàn, Vần, Thương… và một dạng mang tính chất biểu tượng, như Bà On, người dẫn dắt chuyện mang hơi hướng huyền thoại, dáng dấp của một thánh mẫu trong dân gian, những câu chuyện bà kể mang âm hưởng sử thi.

Không chỉ nhân vật người vùng xuôi, các nhân vật dân tộc ít người như cô Út, Phó Mục Gia, Xăm Bram đều rất sinh động, gần gũi với người đọc, chứ không hề khập khễnh, do tác giả tạo cho họ cách dáng người dân tộc. Đó là kết quả của nhiều năm tác giả sống giữa những buôn làng, đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc ít người.

Trong tiểu thuyết này, Nguyễn Chí Trung không viết về một mối tình xuyên suốt như ta thường gặp ở cuốn sách khác. Ngay cả mối tình được ông chăm chút nhất là nàng Út và Toàn. Đôi lứa này yêu nhau được nhà văn miêu tả trên cái nhìn chính trị, nghĩa là yêu nhau theo lý tưởng. Toàn là một chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, bám trụ ngay giữa vùng địch chiếm đóng để gây dựng cơ sở cách mạng.

Tiếc rằng, trường hợp hy sinh của Toàn không thật điển hình, tác giả chỉ lướt qua. Toàn hy sinh, nàng Út góa bụa. Tuy vậy, cái nguyên lý âm dương, theo tâm linh của dân gian, người chết vẫn sống trong lòng người thân, Toàn vẫn trở về với nàng Út trong tâm tưởng. Khung cảnh này được tác giả đưa vào tạo nên nét đẹp huyền bí. Đấy xem như lòng nhân ái của tác giả.

Cũng từ những trang viết có tính chất vĩ thanh này, tác giả bàn về quyền lực, về của cải vật chất, về đạo đức, nhân nghĩa của người cầm quyền. Rằng, khi qua sông rồi đừng quên người chở thuyền và nên nhớ trước mặt anh vẫn còn nhiều con sông với lắm ghềnh thác nữa. Đấy phải chăng làm nàng Út khóc. Tiếng khóc ấy khiến người đọc ngẫm nghĩ về chiều sâu của tác phẩm này.

Sài Gòn mùa mưa 2007

* NXB Quân đội 2006.

NGUYỄN TĨNH NGUYỆN

Tin cùng chuyên mục