Chuyện sách giáo khoa (SGK) tăng giá 10% và những hệ lụy của nó – được mổ xẻ dưới nhiều góc độ thời gian qua – cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly những vấn đề còn tồn đọng trong ngành giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), đòi hỏi phải có cách tiếp cận hợp tình, hợp lý, hợp trào lưu hội nhập và trên hết là phải hợp lòng dân.
Rõ ràng, nói tới “sự nghiệp trồng người” hiện tại, đa phần người dân tuy sẵn lòng ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngành GD-ĐT trong sự phát triển đi lên của đất nước, nhưng vẫn tỏ ý không hài lòng với thực trạng giáo dục còn ngổn ngang những công trình – nói theo ngôn ngữ xây dựng thời thượng – là phá vỡ cảnh quan và quy hoạch tổng thể.
Nguyên nhân sâu xa có lẽ phải nhấn mạnh là không có sự rạch ròi trong hai mảng “giáo dục” và “đào tạo” vốn dĩ cấu thành chức năng của Bộ GD-ĐT. Ở các nước phát triển, mục tiêu của GD phổ thông là tạo dựng con người biết tư duy độc lập, biết tự làm chủ bản thân… Rồi đến các bậc học trên mới cần đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề, rèn trí nhớ… Còn chúng ta cứ mỗi lần cải cách thì lại thấy dường như ta đang làm ngược lại!
GD phổ thông chỉ lo nhồi nhét những kiến thức “trả thi xong là quên” và ai nhớ nhiều hơn những bài mẫu thì càng có cơ hội hơn trong lựa chọn đường đời về sau. Từ đó, mới dẫn tới chuyện “quá tải” chương trình và SGK bậc phổ thông. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, phải 3 năm mới đánh giá hết “ưu” và “nhược” của bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Song thật ra chưa cần phải có những chứng cớ từ cuộc điều tra bài bản và khoa học, chúng ta có thể khẳng định là bộ SGK có “vấn đề” cần sự chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp.
Nhưng câu hỏi đặt ra là chả lẽ cả núi tiền bỏ ra để biên soạn, in ấn, phát hành… hàng năm chỉ để “thử nghiệm” trước khi có một bộ SGK chuẩn? Và động thái mới nhất – mua lại sách cũ mà Bộ GD-ĐT – thông qua đầu mối là NXB Giáo dục – chỉ giống như ném viên sỏi không mang lại chút “gợn sóng” nào cho bể nước SGK vốn đã đầy sóng gió.
Hệ lụy của sự thiếu nhất quán trong đường hướng GD còn thể hiện rõ nét qua sự cồng kềnh, rối rắm và phức tạp của hệ thống thi tuyển. Có lẽ hiếm có nước nào học sinh phải chịu nhiều sức ép đến vậy từ các cuộc thi vào đầu cấp cho đến bậc đại học. Nguyên nhân và đồng thời cũng là giải pháp gỡ rối tình trạng này đã quá rõ: phải xóa bỏ sự bất bình đẳng trong GD để thực hiện nguyên vẹn lời dạy của Bác “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cần cân nhắc khi lựa chọn các mô hình GD thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện đất nước. Cái chúng ta cần hơn cả là đào tạo đội ngũ nhân lực có khả năng sáng tạo, có tay nghề đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Và ở đây, một hệ thống GD chỉ nhấn mạnh đến “điểm số các kỳ thi” sẽ không tạo ra sự đột phá, không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra thời hội nhập. Một nhà khoa học có so sánh thú vị: chúng ta xuất 1 tấn nguyên liệu thô hàng nông sản hay thủy sản có giá trị cũng chỉ ngang với 1 con chíp nặng chưa tới 0,01g được sản xuất ở nhà máy của Intel trong Khu công nghệ cao TPHCM. Nghĩa là nhẹ về trọng lượng nhưng lại nặng về giá trị gia tăng nhờ hàm lượng chất xám. Điều đó cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm!
BÍCH AN