
Như tin đã đưa, năm học 2007, Bộ GD – ĐT thực hiện phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường dựa trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đây có thể coi như là bước đầu của “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” - niềm mơ ước của các trường bấy lâu nay. Nhưng nhiều trường đón nhận thông tin này với tâm trạng lúng túng, dè dặt hơn là vui mừng, phấn khởi. Vì sao?
Từ thực tế cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, các chuyên gia giáo dục và quản lý của các trường đã tỏ ra rất bức xúc về quy định trên.
Cần phải có lộ trình
5 tiêu chí Bộ GD – ĐT đưa ra (số SV quy chuẩn bình quân/GV; tiêu chuẩn sử dụng đất và số m2 diện tích xây dựng sử dụng/SV; số máy tính/SV; mức chi phí thiết bị/SV) nằm trong bộ tiêu chí Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang kiểm định ở 20 trường ĐH toàn quốc.

Tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 cho học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Ảnh: MAI HẢI
Theo TS Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH TPHCM, việc đặt ra các tiêu chí đảm bảo chất lượng là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh chất lượng các trường ĐH chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Do vậy, hầu hết các trường đều nhất trí với phương án Bộ GD – ĐT đưa ra. Nếu áp dụng ngay những tiêu chí này chắc chắn sẽ gây khó khăn và biến động cho các trường công lập lẫn bán công. Trong quá trình kiểm định một số trường ĐH, nhiều trường không đáp ứng được các tiêu chí SV/GV. Nếu muốn áp dụng các tiêu chí, cần phải có lộ trình.
Mặc dù năm 2007, bộ cho phép các trường chưa đáp ứng các tiêu chí có chỉ tiêu tuyển mới đào tạo năm nay tối đa bằng chỉ tiêu năm 2006. Biến động tuyển sinh năm nay dĩ nhiên sẽ không có, nhưng hình dung bức tranh tuyển sinh của những năm sau sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Kim Dung cảnh báo: Chỉ tiêu số lượng SV/10.000 dân của chúng ta sẽ giảm sút, ĐH đại chúng bị hạn chế… Mặt khác, nếu đưa ra mà không có tính thực tế, không làm được thì giống như hứa rất nhiều nhưng không làm được bao nhiêu sẽ gây điều tiếng dư luận không tốt.. Các tiêu chuẩn đưa ra phải rõ ràng vì đến nay bộ tiêu chí này chưa được bộ chính thức công bố.
Bộ nên cho các trường thời gian chuẩn bị. Năm 2007, áp dụng các tiêu chí là quá gấp. Tuy nhiên, cũng không nên chần chừ vì hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng các tiêu chí trên từ nhiều năm qua. Tốt nhất nên có một bước đệm để các trường phấn đấu. Đối với những trường có đủ điều kiện thì có thể áp dụng ngay.
Các tiêu chí thiếu tính thực tế
TS Nguyễn Thanh Giang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH BC Tôn Đức Thắng, cho biết: Trường của chúng tôi có 16.000 sinh viên, trong khi số giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng khoảng 300 người. Nếu theo tinh thần hội thảo về đổi mới phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Bộ GD – ĐT sẽ triển khai đồng bộ việc “áp” tiêu chí SV/GV trong việc xác định chỉ tiêu của các trường, Trường Tôn Đức Thắng và rất nhiều trường khác nữa sẽ không đạt được.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường không bị ảnh hưởng vì ngay từ đầu trường đã xác định chỉ tiêu bằng với năm trước. Nhưng để đạt yêu cầu SV/GV, trường phải tăng số GV cơ hữu lên hơn 100 người. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng các tiêu chí nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH, thế nhưng, bên cạnh những tiêu chí chuẩn chung, Bộ GD – ĐT cũng cần có những tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù từng loại hình trường, loại hình đào tạo.
TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Văn Lang TPHCM, than thở: Tiêu chí quy đổi một GV thỉnh giảng thành 0,2 GV cơ hữu áp dụng ngay thì quá khó cho các trường! Theo tôi trước mắt tuyển sinh năm 2007 nên lấy lại dự thảo của tháng 9-2004, cụ thể 1 GV thỉnh giảng quy đổi bằng 0,6 GV cơ hữu.
Các năm sau sẽ giảm xuống 0,4 hoặc 0,5 là phù hợp. Tiêu chí một máy tính/SV cũng không phù hợp, chỉ nên dựa vào nhóm chỉ tiêu về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin như: mạng máy tính, dung lượng đường truyền tốc độ… vì dù nhà trường có bao nhiêu máy đi nữa nhưng đường truyền tốc độ yếu thì máy nhiều cũng không có ý nghĩa gì.
Về mức độ sử dụng đất, tiêu chí 55m2/SV là mức diện tích chỉ có thể thực hiện “trong mơ” vì ở các thành phố lớn, đất chật người đông, không bao giờ thực hiện được.
Trường ngoài công lập sẽ phải tăng học phí
PGS Trịnh Phôi, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Kỹ Thuật công Nghệ TPHCM, lại tán thành tiêu chí SV/GV. Tuy nhiên, theo PGS Trịnh Phôi, một số tiêu chí của bộ chưa sát với thực tế, thậm chí quá cao đối với khối trường dân lập. Chẳng hạn, tiêu chí về sân chơi, sân bóng đá… các trường cũng không thể thực hiện được.
PGS Trịnh Phôi bức xúc: “Tại sao không để chúng tôi linh động thuê mướn sân bãi, sân chơi cho sinh viên, miễn sao chúng tôi đảm bảo được chất lượng đào tạo. Không đâu xa, ngay cả các trường ở nước ngoài cũng chỉ có một sân chơi chung cho sinh viên. Đây cũng là một cách cả xã hội cùng góp phần vào sự nghiệp giáo dục.
Chúng ta vẫn còn nhiều sinh viên nghèo, nếu tiêu chí về mức chi phí sắm trang thiết bị thực hành cho một sinh viên là 18 triệu đồng/năm thì các trường buộc phải tăng học phí. Thế nhưng, tăng học phí lên 5 triệu đồng/năm cũng không đủ, còn tăng cao nữa thì làm sao dân mình có điều kiện cho con đến trường. Quan tâm đổi mới giáo dục là đúng nhưng những tiêu chí đưa ra quá “chông gai” đối với chúng tôi, cần phải có thời gian để phấn đấu mới đạt được”.
Trước 15-2-2007, các trường đăng ký chỉ tiêu với bộ chủ quản, UBND các tỉnh, TP. Trước 20-2-2007, các bộ chủ quản, UBND tỉnh, TP gửi đăng ký chỉ tiêu về Bộ GD – ĐT. 28-2-2007, Bộ GD-ĐT sẽ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. |
DOANH DOANH – LÊ LINH