Nền kinh tế Mỹ chờ ngân sách mới

Ngày 30-7, sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán châu Á sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên mức lãi suất gần 0% để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Mỹ trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc từ quyết định của FED
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc từ quyết định của FED

Cứu vãn niềm tin

Đây là quyết định đã được giới quan sát dự báo từ trước, theo đó lãi suất vẫn duy trì ở mức 0% - 0,25% kể từ ngày 15-3 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0%, Ủy ban Thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của FED, cũng nêu rõ sẽ tận dụng mọi công cụ để hỗ trợ kinh tế Mỹ.

Mức lãi suất trên sẽ được tiếp tục duy trì cho tới khi có thể tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua được ảnh hưởng của các biến động gần đây cũng như duy trì giao dịch mua trái phiếu, các chương trình cho vay và thanh khoản nhằm đối phó với tác động của đại dịch.

Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy lòng tin người tiêu dùng đang giảm và quốc hội lưỡng viện tiếp tục bất đồng về cách thức hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Cụ thể, theo Công ty Nghiên cứu Conference Board, chỉ số lòng tin người tiêu dùng đã giảm từ 98,3% trong tháng 6 xuống còn 92,6%, thấp hơn cả mức dự báo của các nhà phân tích. 

Giới đầu tư vẫn mong đợi

 Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã đặt ra những nguy cơ đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn cũng như khiến cho giới đầu tư chưa thể yên tâm và theo dõi xem Quốc hội Mỹ có thông qua dự thảo ngân sách hỗ trợ mới đối với kinh tế Mỹ hay không.

Theo New York Times, khi hạn chót để triển khai trợ cấp thất nghiệp và cho phép hoãn nợ gần kết thúc, ngày 28-7, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công bố gói hỗ trợ 1.000 tỷ USD, theo đó sẽ giảm trợ cấp thất nghiệp từ mức 600 USD/tuần xuống 200 USD/tuần nhưng cũng để ngỏ việc tiếp tục hỗ trợ 1.200 USD cho mỗi cá nhân và cấp thêm ngân sách cho các trường.

Ngoài ra, các nghị sĩ đảng Dân chủ đề xuất gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn bất đồng lớn về dự thảo này thì những lao động thất nghiệp đang lo lắng trước nguy cơ không được nhận thêm trợ cấp trừ phi quốc hội có các quyết định hỗ trợ mới. 

Dự kiến vào ngày 30-7, Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu chính thức đầu tiên về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý 2-2020, được cho là sẽ giảm tới 35%. 

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị một sáng kiến mới, theo đó sẽ sử dụng các gói kích thích kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển các cơ sở sản xuất từ châu Á về Mỹ cũng như khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.

Theo cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, ông Mauricio Claver-Carone, kế hoạch trên có thể đưa 30 - 50 tỷ USD tiền đầu tư của Mỹ trở lại châu Mỹ, đồng thời nhấn mạnh cơ sở hạ tầng, năng lượng và giao thông vận tải có thể là những lĩnh vực tiềm năng đầu tiên của kế hoạch này. 

Với mục tiêu Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), Tổng thống Donald Trump đã đưa ra chính sách Buy America (Mua hàng hóa của Mỹ) và nỗ lực này càng tăng tốc mạnh mẽ hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến kinh tế toàn cầu chao đảo.

Ông Claver-Carone cho rằng, sự bùng phát dịch Covid-19 đã chứng minh rõ ràng những lợi thế khi các nhà cung cấp hàng hóa ở gần Mỹ, thay vì ở châu Á. Sáng kiến nói trên sẽ không tập trung vào chi phí thuê lao động giá rẻ mà sẽ xây dựng dựa trên các điều khoản nhằm bảo vệ người lao động có trong Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada, có hiệu lực từ tháng 7-2020.

Ngày 30-7, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hoãn cuộc bầu cử tổng thống nước này dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới do lo ngại đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy cơ gian lận trong bầu cử.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là cuộc bầu cử sẽ diễn ra. Vị tổng thống 74 tuổi, đại diện đảng Cộng hòa, được cho là đang phải đương đầu với rất nhiều thử thách trong nỗ lực trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3-11 tới, trong đó có làn sóng chỉ trích cách chính quyền của ông chỉ đạo ứng phó với đại dịch Covid-19, những hệ lụy về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Kết quả thăm dò cử tri mới công bố ngày 26-7 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông ở 3 bang chiến lược gồm Florida, Michigan và Arizona đang giảm mạnh. Ông Trump đang bị đối thủ chính là đại diện của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, dẫn trước với khoảng cách khá xa.

Tin cùng chuyên mục