Nếp sống văn minh ở quê hương Đất thép thành đồng

Từ vùng nông thôn đất rộng, dân cư trải dài, người dân quen tự xử lý rác, đến nay, huyện Củ Chi - quê hương Đất thép thành đồng, đã tạo lập nếp sống văn minh mới với 88 tuyến đường kiểu mẫu, 100% hộ dân đăng ký thu gom rác, người dân cùng trồng gần 148.000 cây xanh. Từ đó, hình ảnh Củ Chi hôm nay là những con đường xanh hóa, sạch sẽ, không có rác vương vãi bên đường.  

Nếp sống mới

Sáng sáng, ông Lê Văn Bề (65 tuổi, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) lại chăm chút cho những luống bông mười giờ ven đường 533, ở ấp Canh Lý. Nguyên một vệt bông lớn được ông Bề trồng ven đường trước nhà, tạo thành một vỉa hè bằng bông nở rộ đẹp mắt. Mê mẩn với vỉa hè bằng bông, nhiều người dân trên địa bàn đến xin chụp ảnh, hỏi thăm cách trồng, chăm sóc cây. Những mảng xanh ven đường cứ thế được nhân rộng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhín (63 tuổi, vợ ông Bề), xách rác bỏ vào thùng rác lớn đặt ven đường xéo trước nhà. Những phần rác rơi vãi gần đó cũng được bà Nhín lượm bỏ vào thùng. “Bao nhiêu năm tiện đâu vứt đó, rác vương vãi từ sau nhà, rác tụ lại ven đường, ao hồ, kênh rạch, nhưng nay chúng tôi không làm vậy nữa. Các tuyến đường trong ấp đã có thùng rác để bỏ đúng chỗ, đến giờ là rác được thu gom sạch sẽ”, bà Nhín chia sẻ về sự thay đổi, tạo lập nếp sống mới văn minh.

Không chỉ gia đình ông Bề bà Nhín, toàn bộ gần 133.300 hộ dân ở huyện Củ Chi đều đăng ký thu gom rác. Theo ông Trần Trung Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Củ Chi, việc thu gom rác được chấn chỉnh trong toàn huyện. Huyện đã vận động lắp đặt gần 18.500 thùng rác, xây dựng sơ đồ rác, thay đổi các phương tiện thu gom, xây dựng các trạm trung chuyển rác… để đảm bảo đường, làng, ngõ, hẻm không còn rác. Toàn bộ 57/57 điểm rác tự phát đã được xóa.

Nhiều người dân Củ Chi đã chủ động trồng cây xanh, bông hoa, xanh hóa tường rào giúp vừa đẹp nhà, đẹp ấp. 5 năm qua, đã có gần 148.000 cây xanh, cây bông được trồng mới. Giờ đây, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn đạt hơn 40% trên tổng diện tích đất tự nhiên của huyện.

“Chính sự đồng thuận, chung sức, tham gia tích cực của người dân đã tạo lên diện mạo Củ Chi sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hiện đại”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi Lê Thanh Phong đúc kết.

Cụ thể, nhiều “điểm nghẽn” kéo dài nhiều năm thì nay đã được giải quyết, góp phần tạo ra sự thông thoáng, sạch đẹp. Có thể kể đến tuyến đường vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, đường Nguyễn Văn Hoài, đường Nguyễn Văn Ni hay ngã tư Tân Quy.

Nếp sống văn minh ở quê hương Đất thép thành đồng ảnh 1 Các em được học trong ngôi trường khang trang đạt chuẩn ở Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đưa thương hiệu Củ Chi ra nước ngoài

Để có sự chung sức của người dân và tạo ra sự thay đổi ấy, không đợi mỗi kỳ tiếp xúc cử tri hay những cuộc họp định kỳ mà Thường trực Huyện ủy, UBND huyện hàng tuần đều đi thực tế, trực tiếp nghe phản ánh và giải quyết ngay công việc từ cơ sở. Huyện còn lập kênh giải quyết công việc qua Zalo. Bất kỳ các phản ánh liên quan đến mỹ quan đô thị thì các phòng, ban chuyên môn, các xã liên quan bị “nêu tên” phải lập tức vào cuộc. Kết quả giải quyết được báo cáo lại ngay, không đầu voi đuôi chuột.

“Chính quyền giải quyết các việc sát với dân, cấp ủy gần dân”. Phương châm ấy được huyện Củ Chi quan tâm thực hiện, tạo ra hiệu quả cụ thể và người dân càng thêm tin tưởng. Rõ nhất là ở chương trình xây dựng nông thôn mới. Người dân nhận thức nhiều công trình, phần việc nhà nước đầu tư cũng là phục vụ cho họ, từ đó, người dân nhận thấy cần có trách nhiệm chủ động tham gia, vì chung tay làm đẹp xóm làng cũng là để nơi mình ở thêm đẹp hơn. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua đạt gần 4.800 tỷ đồng (đạt 140% so với chỉ tiêu), trong đó, người dân đóng góp gần 62 tỷ đồng. Toàn huyện có hơn 1.500 công trình được đầu tư xây dựng, trong đó công trình giao thông chiếm 53%, góp phần tạo dựng diện mạo văn minh.

Người dân Đất thép thành đồng năm xưa cùng sát cánh chiến đấu giành độc lập, hòa bình cho quê hương thì nay họ càng thêm đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới và làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong tăng trưởng kinh tế, công nghiệp của huyện phát triển mạnh (16,6%) và chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu kinh tế (gần 77,5%).

Đặc biệt, huyện có nhiều sản phẩm công nghiệp độc đáo, có chất lượng cao từ thiên nhiên. Đó là, bánh tráng làm từ trái thanh long, bún từ dưa hấu, bún chùm ngây hay các loại trà từ trà xanh, trà nhàu, trà râu bắp, trà rong biển, trà nghệ. Tương tự, củ quả sấy, các loại rau diếp cá, rau má, tía tô được chế biến thành bột… Nông dân Củ Chi không những sản xuất chế biến, cung cấp rộng rãi ở thị trường trong nước mà còn tìm hướng xuất khẩu, mang sản phẩm thương hiệu Củ Chi ra nước ngoài.

Đó cũng là hướng đi của Củ Chi trong thời gian tới. Bởi, đặc thù của huyện không thể sản xuất cánh đồng lớn như các tỉnh miền Tây, mà phải là nông nghiệp đô thị. Vì thế, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của TPHCM và phục vụ xuất khẩu.

Nhằm khai thác tốt lợi thế, tiềm năng cho phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân, Củ Chi mong muốn được bố trí ngân sách đầu tư xây dựng trục kết nối giữa tỉnh lộ 15 với sông Sài Gòn. Đồng thời sớm hoàn thành hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái ven sông.

Huyện cũng kiến nghị sớm hoàn chỉnh đồ án quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc; đẩy nhanh đầu tư dự án Thảo Cầm viên Sài Gòn Safari; kiến nghị TPHCM sớm trình Thủ tướng Chính phủ xóa quy hoạch khu Viện Trường (120ha), Khu công nghiệp Phước Hiệp (200ha) và Khu công nghiệp Bàu Đưng (175ha).

Tin cùng chuyên mục