Nét mới trong “Hội tụ 2005”

(*)
Nét mới trong “Hội tụ 2005”

Lần đầu tiên, 23 khuôn mặt hội họa trẻ Việt Nam và 19 họa sĩ các nước góp mặt tham dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế “Hội tụ 2005”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (*).

Số lượng 149 tác phẩm của 42 tác giả đã tạo được vẻ “bề thế” cho cuộc triển lãm. Hầu hết các tác phẩm trưng bày được thực hiện theo kích cỡ lớn hoặc nối kết gồm một bộ nhiều tấm, khá công phu ở một đề tài. Ngoài hai tác phẩm sắp đặt trông “khiêm tốn” của Trần Hoàng Sơn (Việt Nam) và Michael Koon Boon Tan (Singapore), phần còn lại là các thể loại tranh với nhiều phong cách nghệ thuật Á, Âu, Mỹ đan xen của Ng. Bee (Malaysia), Yoichiro Tasuruhama (Nhật), Ozlem Kalkan Erenus (Thổ Nhĩ Kỳ), Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Mai Anh Dũng, Chế Công Lộc, Lê Văn Nhường, Ngô Tâm, Đỗ Xuân Tịnh, Nguyễn Hồng Sơn…

Nét mới trong “Hội tụ 2005” ảnh 1

Các họa sĩ trong ngày khai mạc Triển lãm mỹ thuật “Hội tụ 2005” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Về hình thức thể hiện, các họa sĩ cũng tỏ ra khá táo bạo khi tìm tòi, sử dụng một số chất liệu mới như cát, xi măng, vỏ sò, vỏ chai rượu, lưới, ảnh chụp, giấy dán… phối hợp cùng sơn dầu, acrylic, sơn nước, mực nho, giấy dó…

Tuy không chọn chủ đề chung cho cuộc hội ngộ mỹ thuật nhưng phần lớn các tác giả đều bày tỏ cảm quan nghệ thuật của mình về cuộc sống đương đại. Họa sĩ Thái Lan Vasan Sithiket thể hiện nỗi băn khoăn qua tranh bằng những gam màu nóng, mạnh mẽ như đang đối thoại, phê phán cuộc chạy đua vũ khí chiến tranh của các siêu cường.

Hai họa sĩ Paisan Pliengbangchang và Mongkol Plienbangchang thỉnh thoảng cũng “bình” về “chiến tranh hay hòa bình” bên cạnh các tác phẩm mô tả phong cảnh và sự cảm nhận văn hóa Thái Lan, Việt Nam. Phan Đình Phúc, Trần Kiến Quốc mô tả mạnh mẽ những vấn đề “nóng” về môi trường, về Sự nhân bản tồi tệ. Đỗ Hoàng Tường thâm trầm, nhận định thế thái nhân tình, “nội tâm” con người thể hiện qua cảm xúc từng Khuôn mặt trong xã hội. Nhẹ nhàng và lãng mạn, Suthiket Suparinya với cụm tranh cảm nhận biển đêm, trình bày khá lạ mắt (khi xem tranh, phải chiếu sáng).

Họa sĩ Roger Tibon thú vị với hình ảnh nghệ sĩ và cây đàn Gong mang đặc trưng văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Họa sĩ Malaysia Tan Keng Leong tạo chút duyên dáng riêng qua cụm tranh Ký ức biển đêm và Tình yêu. Yang Chung Hsien thật mới mẻ khi sử dụng dạng tranh lụa truyền thống Trung Hoa cho đề tài phương tiện nghe nhìn hiện đại như máy vi tính, điện thoại di động, headphone và máy nghe nhạc…

Đặc biệt, qua triển lãm, tác phẩm của nhóm tác giả nữ cũng tạo được nhiều ấn tượng lạ và đẹp cho người xem.

(*) Triển lãm do Trung tâm Mỹ thuật đương đại, Gallery Không Gian Xanh (Hội Mỹ thuật TPHCM) tổ chức tại 97A Phó Đức Chính, quận 1, từ 23-6 đến 30-6. 

KIM ỬNG 

Tin cùng chuyên mục