Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2006)

Nét tuyệt đẹp về Văn hóa Việt Nam

Trong Văn hóa có nhiều loại hình về ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ của Văn hóa truyền thuyết. Truyền thuyết là sự truyền cho nhau một câu chuyện nào đó, có chuyện nghe ra có vẻ hoang đường nhưng chứa đựng bên trong một ý tưởng được người đời ưa thích. Truyền thuyết ban đầu là truyền miệng.

Về sau khi có người biết chữ mới ghi lại thành sách, thành sử. Theo truyền thuyết thì nguồn gốc của dân ta, có cha là Lạc Long Quân thuộc giống Rồng, có mẹ là Âu Cơ thuộc giống Tiên, kết hợp sanh được một bọc chứa 100 trứng, nở thành 100 người con. Cha Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên núi và người con cả lên ngôi vua là Hùng Vương thứ nhất. Sinh ra cùng chung một bọc, tức là cùng một bào thai, nên dân ta gọi nhau là đồng bào.

Do yêu cầu bức thiết phải có sức mạnh để chống lại âm mưu thôn tính của thế lực phong kiến nước lớn phương Bắc mà các tộc người trên vùng đất ngày xưa, tương ứng với phạm vi lãnh thổ Bắc bộ, Bắc Trung bộ ngày nay, đã đoàn kết gắn bó với nhau dựng ra nước Văn Lang. Nước Văn Lang ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, tồn tại được 5 thế kỷ. Dân nước Văn Lang sống với nhau trong nghĩa “đồng bào”, coi nhau là con cùng cha mẹ Rồng Tiên, sống với nhau trong tình anh em ruột thịt.

Nước ta với quốc hiệu đầu tiên là Văn Lang, qua mấy ngàn năm lịch sử, bờ cõi ngày càng mở rộng và đến 2-9-1945 thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nước Việt Nam ta ngày nay là nước có nhiều dân tộc, trong đó dân tộc Việt là dân tộc chiếm đa số mang tính tiêu biểu quốc gia, đóng vai trò đầu tàu lôi cuốn các dân tộc anh em khác vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gọi là người Việt Nam là mọi người dân thuộc các dân tộc của nước Việt Nam. Gọi dân tộc Việt Nam thì dân tộc ở đây có nghĩa là quốc gia, là khối cộng đồng các dân tộc của nước Việt Nam không phải chỉ nói riêng về dân tộc Việt.

Chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa bài học về cố kết dân tộc, biết sống với nhau trong nghĩa “đồng bào”, nhưng có sự phát triển mới về chất.

Thời phong kiến, có những vị vua đã thực hiện được sự cố kết dân tộc để chống ngoại xâm, dựa vào điểm tương đồng là cả vua và dân đều muốn nước được độc lập, không chịu sự cai trị của ngoại bang. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Thắng được giặc ngoại xâm rồi thì vua vẫn cai trị, áp bức bóc lột dân. Chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta không phải là giải pháp tình thế, không phải là sách lược tạm thời mà mang tính chiến lược lâu dài coi đại đoàn kết dân tộc là động lực, tạo ra sức mạnh quyết định mọi thắng lợi cho cách mạng. Điểm tương đồng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc là lòng yêu nước, với ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong chủ trương của Đảng là phải vừa thật rộng rãi vừa thật vững chắc. Để thật rộng rãi, Đảng phải quy tụ được, chẳng những các đoàn thể chính trị xã hội mà còn các vị nhân sĩ trí thức có uy tín lớn trong các tôn giáo, các dân tộc, trong bà con người Việt ở nước ngoài, kiên trì vận động, thuyết phục với thái độ chân thành, trân trọng từng tấm lòng yêu nước, từng khả năng đóng góp vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Để thật vững chắc, Đảng phải hết sức chăm lo xây dựng nền tảng của Mặt trận đại đoàn kết dân tộc, là khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức, tức là đông đảo nhân dân lao động chân tay, trí óc, đóng vai trò quyết định trong xây dựng đời sống vật chất văn hóa cho toàn xã hội.

Việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo chủ trương của Đảng, còn phải rất quan tâm đến lợi ích vật chất cụ thể. Đảng lãnh đạo phải có chính sách đúng, kết hợp hài hòa giữa lợi ích mỗi người với lợi ích tập thể và lợi ích chung của toàn xã hội, được hợp tình hợp lý.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ là cuộc vận động để có sự liên minh về chính trị mà phải đặc biệt chú ý phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội bảo đảm cho mọi người đều được tự do làm ăn.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phải từ phát huy lòng yêu nước. Lòng yêu nước của người dân vốn mang tính tiềm ẩn, chỉ công khai bộc lộ thành hành động khi được thức tỉnh bởi sự hiểu biết về lịch sử đất nước, khi có ý thức về sự gắn bó giữa lợi ích cá nhân mình, gia đình mình với lợi ích của dân tộc, của đất nước. Việc tuyên truyền về ích nước gắn với lợi nhà trong thời bình xây dựng, về nước mất nhà tan khi có giặc thù xâm lược và việc giáo dục cho “dân ta phải biết sử ta” là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn.

Dân ta có truyền thống yêu nước, biết sống với nhau trong tình cảm “đồng bào”. Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, là ngọn cờ đại nghĩa. Đó là những nét tuyệt đẹp về văn hóa của Việt Nam.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục