Nga tạo thêm sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ

Sau những căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, quan hệ hai nước giờ đây đang dắt dây sang nước thứ ba là Iraq. Ông Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc (LHQ) thông báo về kết quả cuộc gặp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với Tổng thống Mỹ, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ đưa lực lượng vào Iraq là điều bất ngờ đối với Mỹ.
Nga tạo thêm sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ

Sau những căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, quan hệ hai nước giờ đây đang dắt dây sang nước thứ ba là Iraq. Ông Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc (LHQ) thông báo về kết quả cuộc gặp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với Tổng thống Mỹ, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ đưa lực lượng vào Iraq là điều bất ngờ đối với Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút quân

Trước đó, các Ủy viên HĐBA LHQ đã gặp Tổng thống Barack Obama và đại diện Lầu Năm Góc tại Washington. Sputnik dẫn lời ông Churkin cho rằng, việc quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện những bước đi không chỉ gây ra sự phản đối của người Iraq, mà còn làm cả Mỹ cũng lúng túng. Nga chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới Iraq, gọi đó là hành động bất hợp pháp và không thể chấp nhận.

Về phần Iraq, nước này ngày 8-12 cũng đã yêu cầu NATO gây áp lực lên thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay lập tức khỏi miền Bắc Iraq sau khi Ankara cho biết sẽ không triển khai thêm quân nhưng từ chối rút số quân đã triển khai.

                                                       Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq

Theo Sputnik, ngày 4-12, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 150 nhân viên quân sự đến tỉnh Nineveh miền Bắc Iraq, mà không có sự chấp thuận của Baghdad với danh nghĩa đào tạo cho lực lượng dân quân người Kurd chiến đấu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự xuất hiện đội quân không mời Thổ Nhĩ Kỳ gần tỉnh Mosul đã khiến Chính phủ Iraq khó chịu. Reuters dẫn lời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói: “NATO phải sử dụng quyền lực của mình để kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay khỏi lãnh thổ Iraq”. Ông Abadi đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và cho rằng việc triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền của Iraq.

Lầu Năm Góc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao và nhìn nhận việc triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một phần của trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS.

Liên minh Nga - Iraq - Iran

Sự tham gia của Nga trong cuộc chiến chống IS đã đẩy mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khác biệt và vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga chỉ là giọt nước làm tràn ly. Theo Reuters, Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 9-12 cho biết nước này tiếp tục hỗ trợ lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar al Assad với lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo “vùng đệm an toàn” ở miền Bắc Syria để bảo vệ thường dân và ngăn chặn dòng người tị nạn. Một số nhà phân tích cho rằng sâu xa hơn, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Iraq để cho nước này và đồng minh Qatar xây dựng một đường dẫn dầu từ Bắc đến Nam Iraq nhằm tránh việc phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào nguồn dầu của Nga. Mátxcơva cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tình trạng hỗn độn ở Iraq nên cứ lấn tới mà không sợ bị trừng phạt.

Theo The Wall Street Journal, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng việc Baghdad yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân là do áp lực từ Iran và Nga, nơi các nhà lãnh đạo lo ngại vai trò quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq, nhất là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom của Nga.

Theo Financial Times, Baghdad đã thiết lập một đơn vị chia sẻ thông tin tình báo với Nga, Chính phủ Syria và Iran. Báo này dẫn lời nhà phân tích Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông ở Washington, cho rằng Nga và Iran đang cùng hợp tác giúp Chính phủ Syria nên họ muốn cảnh báo đến Thổ Nhĩ Kỳ đừng can thiệp vào Iraq hay Syria. Theo ông Cagaptay, đây cũng là cách Nga gây sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi đầy đủ về vụ bắn rơi máy bay Nga hoặc ít nhất cho Ankara thấy hậu quả khi đối đầu với Nga.


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục