Ngăn chặn khẩn cấp dịch bệnh hoành hành

Loạn... dịch
Ngăn chặn khẩn cấp dịch bệnh hoành hành

Đầu năm nay, nguy cơ bùng phát trở lại của các dịch bệnh đang gây hoang mang trong dư luận. Trước mắt, dịch cúm A/H5N1 (cúm gia cầm) đang được Bộ Y tế khuyến cáo ngăn chặn khẩn cấp tránh lây sang người.

Cảnh báo dịch cúm A/H5N1 đang lan rộng nhưng nhiều điểm giết mổ gia cầm sống vẫn tràn lan trên đường Lê Văn Lương, quận 7, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Cảnh báo dịch cúm A/H5N1 đang lan rộng nhưng nhiều điểm giết mổ gia cầm sống vẫn tràn lan trên đường Lê Văn Lương, quận 7, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Loạn... dịch

Dịch bệnh tay chân miệng khiến gần 113.000 người mắc tại 63 tỉnh thành và 169 ca tử vong trong năm qua vừa tạm lắng xuống thì đầu năm 2012, từ trong Nam lẫn ngoài Bắc lại liên tiếp ghi nhận thêm một số trường hợp tử vong do dịch cúm A/H5N1 và dịch viêm não mô cầu. TS Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết cả năm 2011 không có ca mắc và tử vong nào do cúm A/H5N1 nhưng chỉ mới một tháng đầu năm 2012 đã ghi nhận 2 ca tử vong liên tiếp là một điều bất thường và quan ngại.

Công tác giám sát dịch cúm A/H5N1 vẫn được thực hiện thường xuyên và liên tục trong các năm qua, cụ thể là những ca bệnh sốt cao có nghi ngờ tiếp xúc với gia cầm đều được làm các xét nghiệm tìm virus cúm; công tác thu thập, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm trong điều tra dịch tễ cũng được tuân thủ. Tuy vậy, thực tế dịch cúm A/H5N1đang hoành hành trở lại khi mới đây Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo nhiều đàn gia cầm đã mắc bệnh cúm và thậm chí đã xuất hiện tình trạng gia cầm kháng với vaccine tiêm ngừa.

Cục Y tế dự phòng vừa có công điện gửi các sở y tế: Sóc Trăng (địa phương phát hiện 1 trường hợp bệnh nhân nữ, 26 tuổi, nhiễm cúm A/H5N1, đã tử vong), Cần Thơ, Kiên Giang (có bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 khởi bệnh và tử vong) về việc giám sát chặt chẽ dịch cúm gia cầm.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm như Quảng Trị, Thanh Hóa và Sóc Trăng, làm 1.683 con gia cầm mắc bệnh, số gia cầm bị tiêu hủy lên tới 4.032 con. Ngoài ra, tại Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nội bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm. Bộ NN-PTNT nhận định sẽ có một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới trên phạm vi rộng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, cúm A/H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm nhiễm virus cúm A/H5N1 sang người. Đây là virus có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Tại thời điểm này, tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% trong số ca bệnh được phát hiện, mặc dù bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus. TS Lê Hoàng San khẳng định cúm gia cầm vẫn đang lưu hành rộng và với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức của người dân còn hạn chế, cơ chế lây truyền của cúm gia cầm sang người vẫn chưa biết rõ nên khả năng xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên người rất cao.

Cùng với đó, dịch viêm não mô cầu đã lây lan từ đầu năm 2012 và đến nay Bộ Y tế ghi nhận 9 trường hợp mắc và 1 trường hợp tử vong. Trong khi đó, từ tháng 1 đến hết tháng 11-2011 chỉ có 82 ca mắc viêm não mô cầu và không có ca tử vong. “Nghi vấn về một sự chuyển biến dịch bệnh đang xảy ra và nguy hiểm”, một chuyên gia y tế dự phòng nói. Trong khi đó, đại dịch cúm A/H1N1 vẫn lưu hành mạnh mẽ khiến 427 ca mắc và 11 ca tử vong trong năm qua. “Một đại dịch cúm A/H1N1 như đã xảy ra năm 2009 là khó tránh khỏi trong điều kiện hiện nay, khi châu Âu đang chìm trong mùa đông lạnh giá và Mexico cũng đang đối mặt với dịch cúm này quay trở lại”, các chuyên gia y tế dự phòng nhận định.

Chủng cúm mới nguy hiểm

"Lập kế hoạch sẵn sàng dập dịch khi đại dịch xảy ra: kế hoạch cần cụ thể hóa các hoạt động, phân công phân nhiệm rõ ràng, dự trù hậu cần thích hợp cho từng giai đoạn của dịch và đặc biệt là sự tham gia của các ban ngành"

TS Lê Hoàng San

Bộ Y tế vừa xác nhận đã có sự xâm nhập của chủng virus cúm Sotr_A/H3N2 tại khu vực phía Nam. Đây là một chủng cúm được tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn.

Theo Bộ Y tế, đã có 10 ca mắc virus cúm mới, nhưng điều đáng lo ngại là có 3 ca gần đây nhất mắc bệnh mà không tiếp xúc với lợn. Điều này khiến các chuyên gia y tế nhận định không loại trừ khả năng cúm A/H3N2 có thể lây từ người sang người. “Virus mới là tái tổ hợp từ cúm A/H1N1 nên đã mang gene của người, rất có khả năng lây truyền dễ dàng. Nếu độc lực cao thì sẽ rất nguy hiểm”, một chuyên gia cho biết. TS Lê Hoàng San cho rằng khả năng xuất hiện dịch cúm do chủng cúm mới Sotr_A/H3N2 tại khu vực phía Nam là rất cao.

Trước tình hình trên, TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định diễn biến các dịch bệnh, nhất là dịch cúm đang phức tạp. Do đó, mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh dịch truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh. Các địa phương, tùy tình hình thực tế mà bổ sung hoạt động của ban Chỉ đạo chống dịch từ tỉnh đến xã, thường xuyên nắm thông tin và có biện pháp chống dịch kịp thời. Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác chống dịch. để giảm tỷ lệ mắc, các địa phương phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm; tổ chức tuyên truyền, túc trực 24/24 trong thời gian xảy ra dịch… Còn để giảm tử vong, phải tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến; bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống kháng; tổ chức thu dung và điều trị kịp thời…

Tường Lâm


 Lơ là

Trái với mọi năm, khi dịch cúm gia cầm thường xuất hiện dịp gần Tết Nguyên đán, năm nay câu chuyện cúm gia cầm ít được đề cập trên các phương tiện truyền thông. Phải chăng các địa phương không phát hiện dịch cúm, hay công tác tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm đã bị lơ là?

Nhận xét về ca tử vong do ăn gia cầm bệnh chết, BS Trần Văn Khánh, Giám đốc BV Đa khoa Bạc Liêu, thừa nhận: Tỷ lệ tử vong trên các ca nhiễm cúm A/H5N1 rất cao. Câu chuyện ăn gia cầm bệnh chết đã được cảnh báo về những nguy hiểm lâu nay, nhưng đến nay lại tái diễn. Một bộ phận người dân vẫn còn lơ là và địa phương cũng chưa làm hết sức để nhanh chóng ghi nhận các điểm gia cầm chết kèm theo cảnh báo nhất định. Trong khi ngành thú y chịu “bó tay” trước thực trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ. ĐBSCL vẫn nuôi xen gia cầm chung trong nhà, thì nhiều người trông đợi vào việc tiêm vaccine phòng chống cúm gia cầm sẽ tạo ra “tuyến phòng thủ tốt”. Thực tế, khi phát hiện dịch cúm trên đàn gia cầm, nhiều địa phương mới “té ngửa” ra: gia cầm mắc bệnh là do tiêm vaccine “sót”. Thậm chí có điểm tiêm vaccine “sót”, gia cầm chết lại rơi đúng vào nhà cán bộ ở địa phương. Câu chuyện tiêm vaccine để “sót”, tạo ra “da beo” cũng là những nguy cơ đang rình rập để cúm gia cầm lan nhanh.

Thật ra, trước Tết Nguyên đán ở Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã phát hiện một ổ cúm gia cầm trên đàn gà 450 con. Thực tế, đã có cán bộ chi cục thú y “tỏ ra khó chịu” khi lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương yêu cầu công bố dịch khi phát hiện cúm gia cầm dù chỉ phát hiện ở một hoặc hai điểm. Ít nhiều quan điểm “ém thông tin” dịch cúm gia cầm để giữ “thành tích thi đua” hoặc chủ quan vẫn còn loáng thoáng trong ngành thú y ở ĐBSCL. Có thể nói, sau sự xác nhận 2 ca tử vong do cúm A/H5N1 ở Kiên Giang, Sóc Trăng và ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm ở Hậu Giang trong tháng đầu năm 2012 cho thấy virus cúm A/H5N1 vẫn đang lưu hành ở bán đảo Cà Mau. Trong đó 3 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng nằm liền kề nhau, nguy cơ dịch cúm lan ra diện rộng là rất lớn. Đây là một lời cảnh báo để các địa phương trong vùng có giải pháp cấp bách tuyên truyền để người dân khi phát hiện gia cầm bệnh, chết cần nhanh chóng báo cho địa phương xử lý kịp thời; cảnh báo cho người dân tuyệt đối không giết mổ và sử dụng gia cầm mắc bệnh để tránh những cái chết thương tâm không đáng có!

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục