2/3 loài động vật biến mất
Liên minh Business for Nature đưa ra tuyên bố kêu gọi hành động trong thập niên tới và cho biết đây là lần đầu tiên có số công ty lớn như vậy đồng loạt đưa ra lời kêu gọi chung, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ sinh thái lành mạnh đối với đời sống con người. Các công ty yêu cầu các chính phủ cần đưa ra các chính sách cho phép họ làm được nhiều việc hơn để bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Tuyên bố viết: “Các xã hội lành mạnh, các nền kinh tế có khả năng phục hồi và các doanh nghiệp phát triển dựa vào thiên nhiên. Các chính phủ phải áp dụng các chính sách ngay bây giờ để đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị xâm hại trong thập niên này”.
Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, khoảng 2/3 số loài động vật trên thế giới đã biến mất trong 50 năm qua. Điều đó dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của đa dạng sinh học. Rừng đang biến mất, các rạn san hô đang chết dần và các đại dương đang đầy rác thải nhựa.
Vẫn chưa quá muộn
Những năm 2010 -2020 được cho là “Thập niên đa dạng sinh học”, với các quốc gia trên thế giới ủng hộ một kế hoạch hành động đầy tham vọng do Công ước LHQ về đa dạng sinh học (CBD) đề ra tại một hội nghị ở Aichi, Nhật Bản. Trong một báo cáo mới đây về tiến độ thực hiện kế hoạch hành động này, CBD thừa nhận không một mục tiêu nào trong các Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi đã được đáp ứng. Báo cáo của CBD về triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu kết luận: những áp lực dẫn đến “sự suy giảm chưa từng có” về đa dạng sinh học đang gia tăng. Theo CBD, may mắn thay, vẫn chưa quá muộn để lật ngược tình thế.
Hiện đang ở thời điểm quan trọng, việc bảo vệ, thậm chí tái tạo những gì chúng ta từng có là điều có thể xảy ra. Theo CBD, với ý chí chính trị và xã hội cần thiết, chúng ta có thể tạo ra một thế giới tự nhiên tích cực, trong đó con người cho lại nhiều hơn những gì chúng ta nhận được. Đại dịch Covid-19 đã thức tỉnh thế giới về tính nguy cấp trong bảo vệ hành tinh này khi đối diện với các thảm họa cùng lúc. Các cuộc khủng hoảng về sức khỏe con người, thiên nhiên, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, tất cả đều có mối liên hệ với nhau và do đó phải được giải quyết cùng nhau.
Nhận thức của cộng đồng về tình trạng nguy hiểm của thế giới tự nhiên cũng đang tăng lên. Các chương trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 do các chính phủ đưa ra cũng đã ghi nhận một số hiệu quả nhất định. Ví dụ, Pakistan đang thuê lao động thất nghiệp do Covid-19 để trồng cây, trong khi Ấn Độ đã dành 780 triệu USD cho chương trình trồng rừng ở nông thôn và bán thành thị. Ở châu Âu, kế hoạch phục hồi “Thế hệ tiếp theo của EU” sẽ hướng 30% ngân sách trong 750 tỷ EUR vào các sáng kiến xanh. Thỏa thuận bao gồm cam kết giảm ô nhiễm hóa chất bằng cách tăng 25% diện tích đất canh tác hữu cơ. Tập đoàn Microsoft của Mỹ gần đây đã tung ra “Máy tính hành tinh” mới nhằm mục đích tổng hợp dữ liệu môi trường toàn cầu để hỗ trợ việc ra quyết định. Trong khi đó, gã khổng lồ hàng tiêu dùng Anh - Hà Lan Unilever gần đây đã cam kết thực hiện một chuỗi cung ứng không gây phá rừng vào năm 2023.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh, nếu không sớm hành động, hệ sinh thái sẽ tiếp tục oằn mình dưới sức nặng của sự khai thác quá mức trong sử dụng đất và biển, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loài sinh vật lạ xâm lấn. |