Nhiều người đã thực sự bị sốc trước thông tin một bác sĩ phó trưởng khoa và một kỹ thuật viên trưởng của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam, do bao che, tiếp tay lập bệnh án giả (với kết luận tâm thần phân liệt thể hoang tưởng), nhằm giúp đối tượng vi phạm pháp luật chạy tội. Thật chua xót khi có những cán bộ ngành y bán rẻ lương tâm, vi phạm nghiêm trọng y đức, tiếp tay, tạo điều kiện cho tội phạm chạy tội, gây hiểm họa cho xã hội.
Dư luận sốc nhưng không bất ngờ, bởi vẫn biết lâu nay đã có không ít vụ tội phạm gây trọng án giết người, hiếp dâm, buôn ma túy, tham nhũng... nhưng không bị xử lý pháp luật, do được giám định bị tâm thần khi gây án. Từ năm 2014, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã lưu ý: “Nhiều bị can tham nhũng đi giám định tâm thần để không phải chịu hoặc chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là một vấn đề cần đặt ra với ngành y tế, xem công tác giám định tâm thần đã được tiến hành chặt chẽ, chính xác hay chưa”. Do nhiều nghi vấn, trong gần 1 năm qua, Công an Hà Nội đã lập chuyên án điều tra nghi án làm giả bệnh án tâm thần cho nhiều đối tượng giang hồ chạy tội.
Kết luận giám định pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu tội phạm được giám định xác định gây án khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và cũng không để oan người vô tội. Thực tế, các giám định viên giám định tâm thần đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khá gian nan này. Khác với các loại hình giám định khác, giám định tâm thần hết sức đặc thù, phải giám định nhiều lần mới có kết quả chính xác. Muốn giám định tâm thần, các bác sĩ vẫn chủ yếu dựa vào nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm, nên phải mất nhiều thời gian, căng óc đấu trí để thẩm định tình trạng tâm thần của đối tượng, vì nhiều tên tội phạm rất tráo trở, tinh quái, thậm chí hung hãn, hằn học trong việc giả điên, giả dại nhằm tránh sự trừng trị của pháp luật.
Có những cán bộ ngành y, giám định viên pháp y vì những đồng tiền bẩn mà tiếp tay cho tội ác là chuyện rất đáng buồn, đáng lo ngại và không được phép tiếp diễn. Kẽ hở lớn nhất chính là quy trình giám định tâm thần được thực hiện khép kín, thiếu cơ chế kiểm soát - do mang tính chuyên môn cao. Mặt khác, trong việc thực thi chế tài, đã chưa xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm sai lệch kết quả giám định. Bộ Y tế, ngành giám định pháp y và các bệnh viện tâm thần có tham gia giám định cần khẩn trương rà soát, kiểm tra thật chặt chẽ, cẩn trọng để phát hiện và khắc phục sơ hở trong việc thực hiện quy trình giám định pháp y tâm thần; phân công đội ngũ cán bộ y tế giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều kinh nghiệm thẩm định, lập hồ sơ bệnh án mô tả kỹ triệu chứng. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn lấy ý kiến tập thể Hội đồng giám định để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.
Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người làm công tác giám định nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Việc làm giả bệnh án tâm thần còn có dấu hiệu tội nhận hối lộ, tội làm giả tài liệu và giấy tờ có tổ chức, hoặc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Nghiêm túc thực thi các điều luật này là điều kiện cần để ngăn chặn việc giám định viên làm giả kết luận giám định tâm thần cho tội phạm chạy tội. Từ vụ án này, cũng nên kiểm tra lại các hồ sơ giám định pháp y tâm thần có dư luận nghi vấn về hành vi giúp tội phạm miễn tội trên phạm vi cả nước; làm rõ cách thức làm giả bệnh án, người làm giả và thủ đoạn làm giả như thế nào, để có căn cứ xác định các tội danh.
Thực ra, cũng không dễ chỉ bằng kết luận giám định tâm thần gian dối là qua mặt được các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì nếu tội phạm đã từng là bệnh nhân tâm thần phải nằm tại bệnh viện tâm thần thời gian dài, thì bệnh án đó mới đủ thuyết phục. Có 3 chủ thể trong câu chuyện làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm: phía bệnh viện tâm thần; những người được cấp bệnh án tâm thần và phía cơ quan tố tụng sử dụng bệnh án đó trong hoạt động tố tụng. Nếu không có sự thông đồng của điều tra viên hoặc kiểm sát viên, thì bệnh án tâm thần chưa thể giải quyết được việc miễn trách nhiệm hình sự. Do vậy, không thể không truy cứu trách nhiệm của cơ quan tố tụng khi sử dụng giấy tờ bệnh án tâm thần giả để áp dụng miễn chấp hành hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng phạm tội. Cần xem xét tình tiết có hay không việc tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Nếu có tiếp tay thì hoàn toàn có thể xử lý tội làm sai lệch hồ sơ trong hoạt động tư pháp được quy định tại Điều 375.