Ngân hàng nhỏ ở Mỹ gặp thế bí

Trong báo cáo tài chính quý 1, các ngân hàng nhỏ ở Mỹ phục vụ đại trà người tiêu dùng và doanh nghiệp, phàn nàn gặp nhiều khó khăn trong thu hút tiền gửi, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất. Để giữ chân người gửi tiền, một số ngân hàng phải nâng lãi suất tiết kiệm và tung ra các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.
Ngân hàng Zions Bancorp, Mỹ
Ngân hàng Zions Bancorp, Mỹ

Mặc dù nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trong quý 1 vừa qua, nhưng lượng tiền gửi giảm báo hiệu một sự thay đổi cơ bản trong hoạt động kinh doanh của họ. Lượng tiền gửi dồi dào trong giai đoạn lãi suất siêu thấp trước đây khiến khách hàng có ít động lực chuyển sang gửi tiền nơi khác. Hệ quả là các ngân hàng này ngày càng phụ thuộc nhiều vào các khoản tiền gửi như một nguồn cung cấp vốn giá rẻ mà họ có thể sử dụng để cho vay hoặc mua trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, tình hình hiện nay trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng nhỏ khi FED tiến hành nhiều đợt nâng lãi suất cơ bản.

Trong bản công bố thu nhập mới nhất, Ngân hàng Zions Bancorp cho biết, lượng tiền gửi tính tới cuối tháng 3 đã giảm 3% so với quý trước và giảm 16% so với một năm trước. Zions là một trong những ngân hàng có giá cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề kể từ vụ sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng trước. Theo Zions Bancorp, lượng tiền gửi tại ngân hàng vẫn cao hơn mức trước đại dịch Covid-19, song nhiều khách hàng lớn đã rút tiền gửi, trong đó hơn 2/3 số tiền rút liên quan đến các tài khoản có số dư lớn hơn 10 triệu USD.

Trong khi đó, Ngân hàng Citizens cho biết, lượng tiền gửi nhìn chung ổn định trong suốt thời kỳ xảy ra khủng hoảng ngân hàng, song tổng số tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm so với quý trước, do số tài khoản không tính lãi giảm 10%. Tỷ lệ lãi suất trung bình mà Citizens trả cho các khoản tiền gửi là 1,74%, tăng hơn 0,5% so với quý trước. Tương tự, các khoản tiền gửi không tính lãi ở Ngân hàng Horizon có trụ sở tại thành phố Memphis (bang Tennessee) cũng giảm 10% so với quý trước, trong khi tiền gửi tính lãi tăng 1%.

Tại Ngân hàng Wells Fargo, lượng tiền gửi đã giảm 8% so với một năm trước và giảm 2% so với quý 4-2022. Ngân hàng này cho rằng, tiền gửi có thể giảm hơn nữa trong những tháng tới. Trong khi đó, Ngân hàng Hancock Whitney có trụ sở tại bang Mississippi cho biết, lượng tiền gửi đã tăng 2% so với quý trước, nhưng ngân hàng này phải tăng lãi suất để giữ chân người gửi tiền. Hancock Whitney đã tăng mức lãi suất tiết kiệm lên 1,65% so với mức 0,96% trong quý trước.

Trong những tháng gần đây, việc FED tiếp tục tăng lãi suất khiến khách hàng gửi tiết kiệm bắt đầu chuyển tiền sang các sản phẩm có lãi suất cao hơn như quỹ thị trường tiền tệ và trái phiếu kho bạc. Thêm vào đó, sự sụp đổ của các ngân hàng SVB và Signature đã tác động đến tâm lý khách hàng, khiến cả những người từng hài lòng với việc giữ tiền trong tài khoản không lãi suất cũng thay đổi nhận thức. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng, người tiêu dùng và các doanh nghiệp gửi tiền trên khắp nước Mỹ đã đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ và chuyển tiền sang các ngân hàng lớn nhất với niềm tin sẽ được an toàn hơn. Một số ngân hàng lớn của Mỹ như Bank of America và Wells Fargo cũng phải tăng đáng kể lãi suất tiền gửi so với một năm trước. Cuộc cạnh tranh hút tiền gửi của các ngân hàng càng trở nên khốc liệt khi đại gia công nghệ Apple hợp tác cùng Goldman Sachs để cho ra mắt tài khoản tiết kiệm mới, trả lãi suất 4,15%/năm 

Tin cùng chuyên mục