
Hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2006 với những con số rất ấn tượng. Không ít ngân hàng đến nay đã đạt lợi nhuận 65-75% kế hoạch cả năm. Dự báo tiếp tục một năm “ăn nên làm ra” của hệ thống ngân hàng thương mại.
Khối cổ phần lãi lớn

Dẫn đầu khối ngân hàng TMCP là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt đến 303 tỷ đồng, chiếm 74% kế hoạch cả năm.
Với mức lãi hấp dẫn, cổ phiếu STB (Sacombank) trên thị trường chứng khoán thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngân hàng Á Châu (ACB) là ngân hàng thứ hai trong khối cổ phần có mức tỷ suất lợi nhuận trên quy mô vốn ấn tượng nhất.
Với vốn điều lệ gần 1.200 tỷ đồng, đến nay lợi nhuận của ACB đã đạt gần 300 tỷ đồng, tăng trên 155% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Ông Nguyễn Gia Định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết tính đến ngày 30-6 Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 161 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với cả năm 2005. Hiện tổng vốn huy động của Eximbank đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, Eximbank giữ vị trí thứ ba trong khối ngân hàng TMCP có tốc độ huy động cao nhất. Dư nợ cho vay đạt trên 7.500 tỷ đồng, tăng 24%. Eximbank từng có tỷ lệ nợ quá hạn đến 70% tổng dư nợ (năm 1999), nhưng hiện chỉ còn 2,2%, trong đó nợ xấu là 1,2% và cũng đã được xử lý gần xong.
Mới đi nửa đoạn đường, nhưng hầu hết các chỉ tiêu hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã vượt kế hoạch năm. Đến nay lợi nhuận trước thuế của SCB đạt gần 76 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm gần 1 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của SCB đạt 5.411 tỷ đồng, đạt 125,29% kế hoạch cả năm, tổng đầu tư tín dụng đạt 5.245 tỷ đồng, tăng 1.825 tỷ đồng.
Các hoạt động dịch vụ của SCB ngày càng được chú trọng nâng cao cả lượng và chất, cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng và nâng dần tỷ lệ thu phí dịch vụ trên tổng doanh thu. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đến nay cũng đã chứng minh được những bước tiến không ngừng trong hoạt động kinh doanh.
OCB đạt lợi nhuận trước thuế trên 63 tỷ đồng, bằng 94% so với lợi nhuận năm 2005…. Những con số lợi nhuận ấn tượng trên đã tiếp tục tác động thuận lợi cho giá cổ phiếu các ngân hàng trên thị trường OTC cho dù có nhiều ý kiến cho rằng mặt hàng này tăng quá nóng.
Quốc doanh tăng trưởng mạnh
Không chỉ có khối ngân hàng cổ phần thắng lớn, các ngân hàng quốc doanh cũng đã “bội thu” trong kinh doanh. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro, 6 tháng đầu năm nay Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCB) lãi đến 2.000 tỷ đồng, riêng VCB chi nhánh TPHCM lãi 500 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch trong năm.
Mặc dù 6 tháng đầu năm VCB đạt lợi nhuận rất lớn nhưng theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc VCB kiêm Giám đốc VCB chi nhánh TPHCM, 6 tháng cuối năm lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ chỉ tăng bằng 2/3 lợi nhuận của 6 tháng đầu năm. Vì theo ông hiện lãi suất “đầu vào” tăng nhưng lãi suất “đầu ra” chưa thể tăng tương ứng được, điều này sẽ ảnh hưởng lợi nhuận.
Với lại hiện nay cuộc cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài trong cho vay và dịch vụ sẽ bắt đầu ở 6 tháng cuối năm, trong khi giá cả ngày càng leo thang các ngân hàng nội địa sẽ khó khăn trong việc mở rộng tín dụng. Được biết, hiện huy động của VCB 6 tháng đầu năm tăng 6% nhưng cho vay chỉ tăng 1,7% so với đầu năm.
Trước bối cảnh cạnh tranh quyết liệt nhưng Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Incombank) vẫn duy trì được đà phát triển với tốc độ tăng trưởng huy động vốn 6 tháng qua đạt 5,9%, cho vay đạt 8,6%, lợi nhuận đạt trên 60% so với kế hoạch.
Riêng tổng số huy động tại 17 chi nhánh của Incombank trên địa bàn TPHCM đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 366 tỷ đồng so với tháng 12-2005; dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 2.102 tỷ đồng. Trong đó, Sở Giao dịch II Ngân hàng Công Thương (SGDII-Incombank) được xem là “đầu tàu” trong hệ thống Incombank.
Ngoài thế mạnh trong cung cấp nguồn vốn lớn cho các doanh nghiệp, SGDII-Incombank còn rất thành công đưa dịch vụ bán lẻ đến người tiêu dùng. Chỉ riêng điểm giao dịch của SGDII-Incombank tại sân bay Tân Sơn Nhất 6 tháng đầu năm đã thu hút trên 7.000 khách hàng, trong đó người nước ngoài và Việt kiều chiếm trên 72% lượng khách đến giao dịch, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng…
Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) từ đầu năm đến nay cũng rất thành công trong kinh doanh, lãi gần 70 tỷ đồng, trong đó hoạt động tín dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá hiệu quả.
Đến nay tổng dư nợ cho vay của MHB đối với doanh nghiệp đạt hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ cho vay, trong đó cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ xấp xỉ 3.500 tỷ đồng chiếm 38% dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đã đa dạng nguồn thu từ tăng nguồn thu từ dịch vụ chuyển tiền, thanh toán xuất nhập khẩu và kiều hối…
THANH TRÚC