

Cạo mủ cao su.
Công ty Cao su Dầu Tiếng, một thành viên của Tổng Công ty (TCT) Cao su Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu Công nghiệp- dân cư Rạch Bắp (nằm trên địa bàn huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Đây là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tiên của ngành cao su với tổng vốn trên 310 tỷ đồng (trong đó 244 tỷ đồng dành cho khu công nghiệp, 66 tỷ đồng dành cho khu dân cư). Với quy mô diện tích 328,73 ha và nằm trong vùng nguyên liệu cao su, cà phê, điều, cùng trữ lượng khoáng sản (cao lanh, đá vôi…) lớn, Khu Công nghiệp-dân cư Rạch Bắp hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước vào xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Trước đó, TCT Cao su Việt Nam cũng đã thông báo việc đầu tư khoảng 30 tỷ đồng sang Lào để thực hiện hợp đồng hợp tác trồng 15.000 ha cao su tại tỉnh Champassack (Lào) mà 2 bên đã ký trong năm qua. Phía Lào sẽ cung cấp đất, lao động, còn TCT Cao su VN sẽ đầu tư 100% vốn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ trồng cao su cho lao động Lào… Theo ông Lê Quang Thung, Tổng Giám đốc TCT Cao su VN, đa dạng hóa hình thức đầu tư là một trong những chính sách quan trọng mà TCT đang nỗ lực thực hiện để khẳng định sức mạnh và phát triển bền vững.
Thời gian tới, TCT sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất gỗ cao su xuất khẩu. TCT hiện có 3 đơn vị sản xuất gỗ cao su xuất khẩu thì cả 3 đều làm ăn rất hiệu quả. Hiện nay, nguồn gỗ cao su thanh lý đang ngày càng nhiều, do vậy, TCT dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất gỗ cao su xuất khẩu nữa nhằm tận dụng tốt nguồn nguyên liệu này. Nhà máy này được đặt tại Long Thành (Đồng Nai), chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng và trang trí nội thất với công suất thiết kế 6.000m3 gỗ tinh chế/năm. Trên 90% sản phẩm của nhà máy sẽ dùng cho xuất khẩu, 10% còn lại để tiêu thụ nội địa.
NGUYỄN THU TUYẾT