Ngành xuất bản Việt Nam: Hoạt động cầm chừng

Giấy tăng, đầu sách giảm

6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản trong cả nước mới chỉ đạt được 16% kế hoạch đăng ký xuất bản năm 2008. Việc để lọt những tác phẩm có nhiều sai sót, buộc phải đình chỉ, thu hồi; giá giấy in tăng gần 50%… là những khó khăn khiến cho các nhà xuất bản không hoàn thành kế hoạch.

Giấy tăng, đầu sách giảm

Tính đến hết tháng 6-2008, 55 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước mới chỉ đạt được 16% kế hoạch năm, do giá giấy in tăng và lạm phát. Trong đó sách thiếu niên nhi đồng giảm 15%, sách giáo khoa giảm 13,4%, sách văn học nghệ thuật giảm 24% so với năm 2007.

Nhìn từ góc độ sản xuất kinh doanh thì việc tăng giá nhiều mặt hàng trọng yếu - riêng giá giấy in tăng gần 50% - đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất. Nhiều sách in ra do tăng giá thành đã không bán được, không thu hồi được vốn nên doanh thu hầu hết của các NXB đều giảm mạnh.

Rất nhiều đại diện của các NXB cho biết, hiện giờ họ chỉ dám hoạt động “cầm chừng” vì càng làm nhiều thì càng lỗ. Ông Nguyễn Khắc Oánh - đại diện NXB Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đề nghị cơ quan chủ quản phải có biện pháp cụ thể đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về giá giấy in, nếu không giới xuất bản sẽ khó có khả năng đảm bảo hoạt động”.

Liên kết xuất bản bộc lộ nhiều bất cập

Mối liên hệ trong liên kết xuất bản xuất hiện nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới xuất bản. Dẫn chứng là việc xuất hiện những sai sót về hình thức, thậm chí nội dung, nên nhiều cuốn sách sau khi xuất bản bị thu hồi. Có những NXB chưa nghiêm túc trong liên kết xuất bản. 6 tháng qua, nhiều cuốn sách sai sót đã bị xử lý buộc sửa chữa hoặc thu hồi. Các đơn vị liên kết xuất bản thường có ưu thế về việc thương thuyết bản quyền, linh hoạt trong việc đầu tư cho dịch thuật, in ấn, phát hành... Do đó, với các đối tác liên kết xuất bản, yếu tố lợi nhuận luôn là mối quan tâm đầu tiên. Việc này cũng đồng nghĩa với việc phải lựa chọn xuất bản các đề tài hấp dẫn, đề tài “nóng” như tình dục, án mạng…

Siết chặt công tác hậu kiểm

Để giải quyết các vấn đề đã nêu, bên cạnh việc siết chặt công tác hậu kiểm qua lưu chiểu, đọc lưu chiểu; theo ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản Bộ Thông tin - Truyền thông, khi Luật Xuất bản sửa đổi bổ sung được Quốc hội thông qua ngày 3-6-2008 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2009) thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Trước tiên là quy định thông tin trên bìa một, việc không cho phép xuất hiện logo, tên của đối tác liên kết xuất hiện trên bìa một của ấn phẩm đã từng gây tranh cãi trước đây sẽ được thay bằng một quy định mới.

Theo đó, chỉ có một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trên bìa một…, còn lại, giám đốc NXB sẽ có toàn quyền quyết định vị trí ghi các thông tin. Điều 43 của Luật sửa đổi cũng ghi rõ: Phát hành xuất bản phẩm phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Ông Kiểm cho biết, Điều 43 này sẽ giúp các ban ngành chức năng có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp in lậu, in nối bản, làm ăn theo kiểu “chụp giật” hiện nay. Để kiểm soát tốt chất lượng của các văn hóa phẩm nhập ngoại, Luật sửa đổi cũng đưa vào quy định quan trọng: Cục Xuất bản được quyền khước từ danh mục nhập khẩu nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, có quyền được yêu cầu kiểm tra nếu thấy danh mục này “có vấn đề”.

Đứng trước xu hướng đưa các sáng tác, tác phẩm lên mạng, hay còn gọi với một tên khác là văn học mạng đang là một hình thức “xuất bản” mới, được nhiều người quan tâm, chú ý... Cũng như blog, hình thức “xuất bản” này vẫn đang diễn ra rất sôi động theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, và dường như nó đang nằm “ngoài tầm kiểm soát” của cơ quan chức năng. Về hiện tượng này, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng cần phải xác định rõ loại tác phẩm được đưa lên mạng là loại nào. Pháp luật VN quy định việc xuất bản sách phải thông qua NXB, phải nộp lưu chiểu, không ai được lợi dụng quyền tự do công bố tác phẩm để làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và tổ chức, cá nhân. Do vậy, nếu họ đưa tác phẩm lên blog (trang nhật ký cá nhân trên mạng) hoặc trang web cá nhân các tác phẩm đã được các NXB ấn hành dưới hình thức giấy in thì hoàn toàn được phép. Các trường hợp ngược lại có thể coi là đã vi phạm Luật Xuất bản.

Nếu những thông tin này xúc phạm đến danh dự cá nhân hay tập thể thì sẽ điều chỉnh bằng những quy định của luật dân sự, hình sự.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục