Ngày mai (5-7), khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 15

Ngày mai (5-7), Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 15 mở rộng. 
Dự kiến, hội nghị sẽ thảo luận, đánh giá về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm; giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Theo UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội TPHCM tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. TPHCM tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, củng cố chiến lược y tế đã được triển khai thực hiện, gắn chiến lược y tế với các hoạt động chiến lược, kế hoạch khác.
Ngày mai (5-7), khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 15 ảnh 1 Quang cảnh hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sức lan tỏa, đặc biệt là tổ chức chu đáo các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn. Công tác đối ngoại được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế TPHCM đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch Covid-19.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng (tăng 3,82% so với cùng kỳ). Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực có tăng nhưng tốc độ chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp - xây dựng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất đồ uống; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; khả năng hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu; chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM còn thấp.
Bên cạnh đó, việc triển khai lập quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày (5-7).

Tin cùng chuyên mục