Bắt đầu từ ngày Nguyên tiêu năm 2003 đến nay Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn trên phạm vi cả nước vào mỗi dịp tết. Ngày thơ không chỉ để tôn vinh thơ, để nhắc nhở bạn đọc về một nền thơ ca đất nước, mà còn là dịp để các nhà thơ gặp gỡ giao lưu, những nhà thơ trẻ cùng các nhà thơ lão thành trực tiếp tâm tình, cùng đàm luận những tác phẩm mới, trao đổi những vấn đề về thơ hôm nay.
Những ngày thơ đầu tiên quả thật đã làm được nhiều điều. Người yêu thơ từ ngỡ ngàng đến tò mò và vui vẻ đón nhận nhiều cái mới ở thơ như trình diễn thơ, trưng bày thơ ở phía Bắc, diễn thơ, sân khấu hóa thơ, thơ trẻ ở phía Nam… Rất nhiều người yêu thơ hẳn không thể quên được hình ảnh một nhóm sinh viên tại TPHCM đã tái hiện lại hẳn cả một xà lim nhà tù để làm nơi trưng bày tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách thể hiện đầy hiện thực đã thu hút không ít các thanh niên vốn không phải là bạn đọc quen thuộc của thơ đến với ngày thơ năm đó.
Thế nhưng, càng về sau ngày thơ càng rơi vào bế tắc về phương thức tổ chức. Sự bế tắc này có nguyên nhân khách quan là việc thiếu ổn định nơi tổ chức. Có người đã ví von ngày thơ TP như đứa trẻ không nhà, mỗi năm chạy một nơi và đến dịp ngày thơ điều mọi người quan tâm không phải là ngày thơ có gì mà là ngày thơ tổ chức ở đâu? Từ Lăng ông Bà Chiểu, nơi nhà thơ đọc thơ trong tiếng cầu kinh, đậm mùi khói nhang đến công viên Bách Tùng Diệp xinh xắn nhưng quá nhỏ bé, ồn ào. Rồi ngày thơ chạy vào Thảo Cầm Viên gây ra cuộc tranh cãi về việc khán giả vào dự ngày thơ phải mua vé vào công viên.
Có năm ngày thơ diễn ra trong Nhà hát TP thừa trang trọng mà lại thiếu hụt sự gần gũi, giao lưu. Cung Văn hóa Lao động cũng là một lựa chọn không mấy thành công khi không gian quá loãng. Rồi cũng có lúc ngày thơ tưởng đã tạm ổn nơi chốn khi tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Thế nhưng lại không ổn vì ngày thơ dịp tiết Nguyên tiêu lại cũng là ngày đông người dân đến với bảo tàng, công tác quản lý, phục vụ trở nên quá tải.
Và 2014, tin vui đến với ngày thơ TP khi trụ sở Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM được hoàn tất, trong đó có một khuôn viên phù hợp cho các hoạt động văn hóa. Ngày thơ 2014 lần đầu tiên được tổ chức tại địa điểm mới được xem là một trong những ngày thơ thành công nhất từ trước đến nay cả về chất lượng nội dung, lượng người tham dự cũng như các vấn đề liên quan đến hậu cần, tổ chức. Đến năm 2015, cũng là lần đầu những người làm ngày thơ bớt nỗi lo về địa điểm để dồn sức cho việc xây dựng nội dung chương trình.
Theo một thành viên ban tổ chức, năm nay ngày thơ tại TPHCM sẽ không áp dụng phương thức phân chia sân khấu kiểu thơ trẻ, thơ trưởng thành, thơ lão thành như mọi năm mà lợi dụng ưu thế sân khấu lớn để tổ chức sân thơ chung, nơi mọi người làm thơ bất kể độ tuổi đều có thể diễn những tác phẩm của mình.
Ngày thơ hôm nay của TP đang bắt đầu có sự ổn định sau hơn 10 năm tổ chức. Nỗi lo bây giờ là làm gì để ngày thơ hấp dẫn người yêu thơ, làm gì để ngày thơ thực sự trở thành nơi để thơ và nhà thơ có dịp thể hiện, tìm kiếm ý tưởng sáng tác cũng như giúp những vần thơ hay đến với mọi người.
TƯỜNG VY