Ngày Thơ với câu chuyện thơ và bạn đọc

Kết nối bạn thơ - nhà thơ
Ngày Thơ với câu chuyện thơ và bạn đọc

Lại một lần nữa người dân TP đón Tết Nguyên tiêu với một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa: Lễ hội của người yêu thơ - hay còn gọi là Ngày Thơ Việt Nam. Sau 7 năm liên tục tổ chức, Ngày Thơ đã, đang và sẽ tiếp tục là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân hiện nay.

Kết nối bạn thơ - nhà thơ

Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM được tổ chức với chủ đề chính khá rộng: Cội nguồn-Hội nhập-Sáng tạo. Tuy nhiên, thơ được giới thiệu nghiêng về hội nhập khá nhiều, cội nguồn xếp tiếp theo và sáng tạo ít nhất. Ban tổ chức đã xây dựng Ngày Thơ tại TPHCM theo hướng gần gũi nhằm tạo điều kiện kết nối bạn thơ và nhà thơ bằng cách bố trí các chỗ ngồi để trao đổi, tặng thơ, tặng chữ…

Các nhà thơ đến với Ngày Thơ không thuần túy chiêm ngưỡng, giới thiệu thơ với nhau mà còn xem đây như một ngày hội của thơ, nơi các nhà thơ có dịp gặp nhau, gặp bạn đọc một cách thuận tiện sau một năm lao động kiếm sống và sáng tác thơ văn.

Ngày Thơ với câu chuyện thơ và bạn đọc ảnh 1

Nhóm thơ và thư pháp Song Nguyên trong Ngày Thơ Việt Nam tại công viên Bách Tùng Diệp. Ảnh: A.D.

Một sự thật là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, việc giới thiệu thơ mới không còn là chuyện khó để mà phải chờ đến Ngày Thơ mới có thể thực hiện. Những tác phẩm mới, những vần thơ hay đều có thể chia sẻ dễ dàng bằng nhiều cách thức.

Không phải ngẫu nhiên mà vườn thơ trẻ tại Văn miếu ở Hà Nội chọn cái tên đầy tính số học: thơ 360 độ. Ngoài ý nghĩa là bao quát cả cuộc sống như một vòng tròn 360°, con số 360 còn ám chỉ đến hệ thống blog 360 của yahoo, một trong những công cụ giới thiệu thơ và các tác phẩm văn học mới sáng tác khá phổ biến hiện nay.

Thơ đã không mới thì để tạo ấn tượng cho bạn đọc phải có cách thể hiện lạ. Ngày thơ Hà Nội vốn có thế mạnh này, ngoài các hình thức thả thơ, thi thơ, gieo thơ…, thơ trẻ ở Hà Nội còn gây ấn tượng với các loại hình biểu diễn thơ theo phong cách ấn tượng đôi khi gây sốc với người xem.

Tại TPHCM, các nhà thơ trẻ cũng là những người siêng năng tìm cách thể hiện lạ nhất. Bùi Thanh Tuấn, Song Phạm, Phan Trung Thành trong Ngày Thơ 2009 đã khổ công tạo nên những cách thể hiện mang đậm màu sắc dân tộc như gánh hàng thơ, quầy thơ, sân thơ.

Nhưng nói ấn tượng có lẽ nữ nhà thơ trẻ Đoàn Quỳnh Như tạo hiệu quả nhất với một cánh đồng cách điệu, trên đó có lúa thơ và đặc biệt là con bù nhìn canh ruộng rất hiện đại, mang hình thức một bộ váy hai dây bằng giấy xé treo phất phơ khiến khách xem thơ ai cũng phải dừng lại ngắm nhìn.

Ngày Thơ tại TPHCM năm nay không chỉ gói gọn ở công viên Bách Tùng Diệp. Trước đó, tại Thiền viện Vạn Hạnh đã diễn ra cuộc triển lãm thơ nhân dịp Ngày Thơ. Ở đây, những người thực hiện cũng cố công thể hiện thơ một cách ấn tượng nhất như thơ bên các cội hoa mai, thơ nằm ngổn ngang giữa các chiếc tàu trên một biển sỏi trắng, thơ trên thuyền giấy, thơ trên các sản phẩm mỹ nghệ như gốm, đá ngoạn thạch, thư pháp, sơn dầu…

Nét văn hóa cần nâng cấp

Khi được hỏi lý do của sự khổ công trình bày thơ một cách khác lạ như thế, nhà sư Thích Nhuận Tâm, người tổ chức triển lãm thơ đã cho biết: “Triển lãm thơ lần này quy tụ những người làm thơ tâm huyết với nghệ thuật, muốn tìm những hình thức thể hiện thơ mới lạ, giản dị nhưng giúp thơ gần gũi với mọi người”.

Đưa thơ gần gũi với bạn đọc, đó chính là mong muốn lớn nhất của tất cả nhà thơ hiện nay. Các hình thức thể hiện mới lạ cũng chính là để tạo ấn tượng với bạn đọc, từ đó đưa bạn đọc đến với thơ. Ngày Thơ tại TPHCM cũng không nằm ngoài mong ước đó. Tuy nhiên, Ngày Thơ tại TP cũng bắt đầu bộc lộ một số khó khăn.

Đầu tiên là vấn đề mặt bằng tổ chức. Lý giải nguyên nhân thực hiện Ngày Thơ sớm một ngày so với Hà Nội và rút ngắn còn một buổi so với nguyên ngày như năm ngoái, nhà thơ Trương Nam Hương, thành viên ban tổ chức cho biết: “Do thiếu các hoạt động xung quanh Ngày Thơ nên sức thu hút cũng giảm đi, sợ không khí ngày thơ loãng nên chúng tôi đẩy lên ngày chủ nhật và rút gọn lại”.

Quả thực, với mặt bằng công viên Bách Tùng Diệp hay sân trước Bảo tàng lịch sử (khuôn viên Thảo Cầm Viên) nơi diễn ra ngày thơ vài năm trước, khó lòng tổ chức các hoạt động đa dạng. So với TP, Hà Nội có Văn miếu vừa đậm chất thơ văn lại vừa có những không gian riêng để tổ chức các sự kiện cho Ngày Thơ khiến hoạt động tại đây dễ thu hút bạn thơ hơn.

Vấn đề thứ hai chính là bạn thơ. Ngày Thơ tại TP tập trung nhiều nhất là các nhà thơ với nhau, bạn thơ, khách thơ hầu hết là tự phát, nghe tin đến thăm.

Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn nhận xét: “Chúng ta đang bỏ phí mất một đội ngũ yêu thơ rất lớn, đó là các bạn sinh viên. Họ vừa yêu thơ vừa có lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, giá mà trước Ngày Thơ, chúng ta tổ chức những sự kiện “tiền Ngày Thơ” tại các trường ĐH rồi kêu gọi các bạn tham gia thì Ngày Thơ sẽ càng đông vui, mới lạ hơn, tại Hà Nội người ta đã bắt đầu làm như thế”.

Ngày Thơ đang khẳng định vị trí là một nét văn hóa đẹp của TP những ngày đầu năm. Phát triển, nâng cao các hoạt động của sự kiện văn hóa này để ngày càng trở nên thu hút người dân TP sẽ là thách thức đặt ra cho các nhà tổ chức trong những năm tới, nhằm biến Ngày Thơ thành một ngày hội văn hóa dành cho mọi người.

Tường Vân

Tin cùng chuyên mục