Ngày thứ hai chất vấn tại Quốc hội - Không bình ổn giá vàng

>> ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Ngày thứ hai chất vấn tại Quốc hội - Không bình ổn giá vàng

Quản lý thị trường vàng ra sao, xử lý nợ xấu thế nào, giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh… là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình hôm qua 13-11.

Liên thông là đánh bạc với giá vàng

Quản lý thị trường vàng là vấn đề đầu tiên khiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình tốn khá nhiều thời gian để dẫn dắt, giải thích trước QH. Về băn khoăn của ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) liên quan đến sự chênh lệch khá lớn của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Thống đốc cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động, chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới thường dẫn tới biến động về kinh tế vĩ mô bởi tình trạng nhập lậu vàng. Khi đó, ngoại tệ bị vơ vét để nhập lậu, gây ảnh hưởng tới tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô (xuất nhập khẩu, lạm phát…). Ngoài ra, mỗi lần giá vàng tăng cao, NHNN phải cho nhập khẩu để bình ổn giá cũng gây tác động không nhỏ tới nguồn ngoại tệ trong nước. Chính vì thế, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định 24 quy định rất cụ thể cho mọi lĩnh vực kinh doanh vàng và Nghị định 95 về xử lý hành chính trong kinh doanh vàng và ngoại tệ với chế tài xử phạt rất cao. Từ khoảng tháng 4-2012 trở lại đây, hoạt động nhập lậu vàng đã bị chặn đứng, tình trạng “chảy máu ngoại tệ” theo vàng cũng không còn. “Giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới nhưng không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Vì thế, không có lý do gì để bình ổn giá vàng” – Thống đốc nói.

Trả lời của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về lý do NHNN không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu gây ra độc quyền, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trước đây vàng được coi là loại hàng hóa bình thường, không có cơ quan nào quản lý chất lượng: “Cũng chính vì thế NHNN phải xây dựng Nghị định 24, từ đó lấy cơ sở để chuẩn hóa chất lượng vàng”. Quá trình chuẩn hóa này bắt đầu từ việc lấy SJC, thương hiệu đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường làm chuẩn. Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại.

Về yêu cầu liên thông với thị trường thế giới mà ĐBQH đặt ra, người đứng đầu NHNN phản biện lại rằng: “Tại sao phải liên thông? Liên thông có nghĩa là lại chấp nhận một thị trường đầu cơ và nhập lậu về vàng - cái mà chúng ta đã làm được. Cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới”.

Thống đốc nhắc lại hồi năm 2008 khi đặt ra vấn đề liên thông với giá vàng thế giới, NHNN đã cho phép mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài và hệ lụy là đã tạo ra hoạt động đầu cơ về vàng, ở một chừng mực nào đó là “đánh bạc với giá vàng”. Hoạt động sôi động này đã cuốn vào một lượng vốn lớn của nền kinh tế nên sau đó Chính phủ đã kiên quyết dẹp sàn vàng. Nay liên thông về giá vàng chúng ta không đặt ra, nhưng bình ổn thị trường vàng là trách nhiệm của NHNN. NHNN sẽ đóng vai trò là người can thiệp cuối cùng vào thị trường vàng.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục chất vấn: “Thống đốc nói không ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô, không có lý do gì để bình ổn, nhưng trong Nghị quyết năm 2011 của QH có nêu: Phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch giá vàng thế giới? Vậy Thống đốc có thực hiện Nghị quyết của QH hay không?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết QH, nên cuối năm 2011 NHNN đã phải cho nhập 15 tấn vàng, ứng với việc bỏ ra 0,7 - 0,8 tỷ USD và nguồn vốn đó lại nằm kẹt trong vàng. Mặt khác, thời điểm đó chưa có Nghị định 24 và giải pháp chính vẫn là cho nhập khẩu. Nay môi trường pháp lý đã thay đổi nên không cho nhập một kilôgram vàng nào.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tại ngày chất vấn thứ 2. Ảnh: Minh Điền

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tại ngày chất vấn thứ 2. Ảnh: Minh Điền

Lợi ích nhóm làm tăng nợ xấu

Trả lời ĐBQH về thực trạng và các giải pháp xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, tính đến 30-9-2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng ở mức 4,93%, còn theo đánh giá của NHNN, vào khoảng 8,82%. Các giải pháp xử lý cũng đã được triển khai và có được kết quả ban đầu. Cụ thể, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời khoảng 252.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tốt hơn.

Trả lời ĐBQH về yếu tố lợi ích nhóm trong gia tăng nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN vừa thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng và thấy nổi lên nhiều vấn đề. Nhiều tổ chức tín dụng chi phối bởi một nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này chiếm tỷ trọng rất lớn, thậm chí có nơi chiếm tới 90%. Dư nợ của tổ chức tín dụng nằm trong một nhóm khách hàng, mà phần lớn nhóm khách hàng này lại liên quan đến bất động sản. Bất động sản đang đóng băng làm cho tỷ lệ nợ xấu nhóm khách hàng này gia tăng nhiều.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc quyết liệt xử lý nợ xấu là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó là giải pháp về vấn đề lãi suất, trước 15-7-2012, dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm tới 60% - 70%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20%. Trần tình về việc doanh nghiệp kêu ca khó tiếp cận vốn tín dụng, người đứng đầu ngành ngân hàng nói lâu nay quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng giống như “con gà và quả trứng”, doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cũng cần doanh nghiệp. “Quan hệ như vậy nên có khi lễ tết doanh nghiệp gửi quà cho ngân hàng, nhưng cũng có khi ngân hàng gửi quà cho doanh nghiệp” – Thống đốc chia sẻ. Nghe tới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Có chuyện quà đi, quà lại nhưng vấn đề là doanh nghiệp đang không tiếp cận được vốn ngân hàng. Thống đốc cần lưu ý vấn đề này”.

* Huy động vốn tăng trưởng cao trong khi tăng trưởng tín dụng rất thấp cũng là nghịch lý được ĐBQH đặt ra. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi: “Vậy tiền huy động vào ngân hàng đi đâu?”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến tháng 10-2012, tăng trưởng huy động của hệ thống đạt khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ được khoảng 3,36%. Mức tăng trưởng huy động 14% quy ra khoảng 400.000 tỷ đồng, và nó chạy đi đâu?

Theo Thống đốc, trước hết, tăng trưởng tín dụng 3,36% xấp xỉ với hơn 80.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó các ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Cộng lại khoảng 260.000 – 270.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, hiện nay NHNN còn phải hút bớt tiền về khoảng 30.000 tỷ đồng, cộng với các khoản trên là 300.000 tỷ đồng. Một nguồn khác, hiện tổng số tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại NHNN vào khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 50.000 tỷ đồng là dự trữ bắt buộc, khoảng 50.000 tỷ đồng là dư thừa chưa cho vay được. “Sơ bộ những nội dung đó cho thấy tiền đã đi đâu” – Thống đốc kết luận.

Bảo Minh

  • ĐB NGUYỄN VĂN TUYẾT (Bà Rịa - Vũng Tàu): Duy trì 2 thị trường vàng trong nước là bất hợp lý

Thống đốc trả lời cơ bản đáp ứng một phần câu hỏi nhưng chưa thỏa mãn. Thật ra việc có liên thông thị trường hay không, theo tôi thấy là cần thiết, vì trong bản thân nghị quyết của QH mới thông qua đã đề cập là làm sao đảm bảo ổn định và liên thông để giá vàng trong nước sát giá quốc tế. Nghị quyết được toàn bộ QH thông qua, nên thống đốc phải chấp hành nghị quyết chứ không thể nói cái đó chưa thông qua và đề nghị Chính phủ kiến nghị QH xem xét. QH đã xem xét rồi.

Việc duy trì 2 thị trường vàng là điều bất hợp lý. Trong câu hỏi chất vấn, tôi đã nói tại sao chúng ta không quản lý chất lượng vàng mà đi quản lý thương hiệu? Điều đó sẽ dẫn đến độc quyền và tạo ra lợi ích nhóm. Tại sao giữa hai thương hiệu cùng chất lượng mà chênh nhau đến 3 triệu đồng/lượng?

Tôi còn gợn về các giải pháp thống đốc đưa ra thời gian tới, nhất là cân đối siết chặt tín dụng và tăng trưởng, lạm phát có lẽ thống đốc phải rà soát lại nợ xấu xem ở từng lĩnh vực nào, chỗ nào cần cho vay để tiếp tục sản xuất.

  • ĐB TRẦN DU LỊCH (TPHCM): Nói và làm thiếu nhất quán

Sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trao đổi ngắn.

- Phóng viên: Sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông có cảm giác thế nào?

>> ĐB TRẦN DU LỊCH: Tôi không thấy thỏa mãn. Thứ nhất, tôi cho rằng cần phải thừa nhận một cách sòng phẳng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, siết chặt tín dụng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và làm cho nhiều doanh nghiệp phá sản. Vấn đề đặt ra là giữa cái đạt chỉ tiêu về kiềm chế lạm phát chúng ta đặt lên bàn cân với những hệ quả là suy giảm kinh tế khó khăn như thế này để thấy mức độ như thế nào. Như vậy, chúng ta mới nhìn rõ để có giải pháp sắp tới.

Thứ hai là về xử lý nợ xấu. Vấn đề này có tầm rất quan trọng giống như tôi chất vấn về vấn đề bất động sản với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tôi cho rằng cần có cơ quan để thực hiện tái cấu trúc ngân hàng, nợ xấu thuộc Chính phủ tương đối mạnh mẽ kể cả việc phải thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu. Do vậy, tôi mong chờ một câu trả lời dứt khoát nhưng lại không có.

Thứ ba là về vàng. Tôi là người trực tiếp đề xuất Thủ tướng đóng cửa các sàn vàng vì đó như là sòng bạc. Tôi cũng hoàn toàn phản đối việc dùng vàng miếng để thanh toán vì một nền kinh tế không thể có đồng tiền vàng. Theo tôi, phải tách biệt rõ ràng kinh doanh vàng miếng và kinh doanh nữ trang. Nhưng cách triển khai của NHNN vừa rồi là vội vã, thiếu cân nhắc, tạo sự bất ổn. Tôi không hài lòng ở chỗ, nhiều lần trước đây thống đốc nói sẽ điều tiết thị trường vàng, không để cách biệt giữa giá trong nước và thế giới không quá 400.000 đồng/lượng, nhưng trong phần trả lời chất vấn thống đốc lại nói chênh lệch đến 3 triệu đồng/lượng cũng không sao, không cần liên thông. Tôi cho rằng cách trả lời như vậy là không nhất quán.

- Khi thống đốc nói điều hành không để giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá 400.000 đồng/lượng vì khi đó vẫn cho vay vàng?

Tôi không đặt vấn đề đó mà chỉ nói, khi vàng vượt quá mức 400.000 đồng/lượng, thống đốc nói sẽ điều tiết nhưng khi không điều tiết được lại nói cách khác. Do vậy tôi không đồng tình trong tuyên bố và cách làm gây rối loạn thị trường chứ không phải quan điểm của tôi và thống đốc khác nhau. Quan điểm của tôi, NHNN hướng đến mục tiêu của mình là ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát nhưng cái tắc là chưa quan tâm đúng mức tác động đối với doanh nghiệp và hệ quả của nền kinh tế.

Ngọc Quang


Chưa quản lý được giá thuốc

Chiều 13-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước QH về các vấn đề quản lý giá thuốc, điều chỉnh viện phí, mất cân bằng giới tính khi sinh.

Giá thuốc chênh lệch 20% - 40%?

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn, hiện nay giá thuốc ở bệnh viện (BV) dù qua đấu thầu nhưng cao hơn rất nhiều ở thị trường, gây thiệt hại cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến quỹ BHYT, còn lợi nhuận rơi vào các công ty dược. Bộ trưởng có giải pháp nào chấn chỉnh tình trạng nhức nhối này? ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cùng đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong quản lý giá thuốc. “Bộ Y tế cũng đã đấu thầu giá thuốc ở các BV công, nhưng cùng một chủng loại, trên cùng địa phương nhưng giá thuốc chênh lệch lớn, có nơi 20% - 40%, có loại chênh lệch 1 - 1,5 lần. Giải nghịch lý này thế nào?” - ĐB Trương Văn Vở nêu.

Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có chênh lệch giá thuốc giữa các BV, giữa các địa phương, giữa BV công lập và thị trường. Nguyên nhân là do thuốc chạy lòng vòng, qua nhiều trung gian nên bị đẩy giá lên, do bác sĩ bắt tay với các công ty dược kê đơn thuốc ngoại để hưởng hoa hồng, do giá đấu thầu niêm yết của BV kê cao hơn so với bên ngoài... Bộ trưởng thừa nhận, nguyên nhân cơ bản vẫn do quản lý nhà nước khi để những kẽ hở: chia các nhóm thuốc không theo những tiêu chuẩn kỹ thuật, vì vậy thuốc Trung Quốc bị đấu thầu với giá của thuốc Mỹ; không hướng dẫn hồ sơ thầu nên một số chủ đầu tư tự điều chỉnh giá thầu để chọn thuốc phù hợp với mình; không quy định kết quả đấu thầu phải thấp hơn với giá của hãng đã kê khai trước đó. Bộ Y tế quản lý về chuyên môn và quản lý giá, nên dù minh bạch đến đâu cũng dễ vừa đá bóng vừa thổi còi.

“Sau khi có các quy định này, nhiều đơn vị đã thừa nhận, muốn kiếm lãi bằng việc chênh lệch giá thuốc rất khó làm ăn” - bộ trưởng thông báo với QH. Tuy vậy, chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn phải thừa nhận, đó chưa phải là các giải pháp căn cơ. “Chúng tôi đang trình đề án quản lý giá tối đa toàn chặng, tức là giá thuốc sẽ được quy định tỷ lệ lãi nhất định so với giá gốc. Bộ cũng mạnh dạn đề nghị chuyển chức năng quản lý giá thuốc cho cơ quan quản lý về tiền tệ. Ngành y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, làm sao bảo đảm thuốc đúng chất lượng, không nên quản lý giá” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Bộ Y tế cũng kiến nghị thành lập Ủy ban Đấu giá quốc gia để đấu thầu giá thuốc, theo hướng thống nhất trên cả nước trong việc lựa chọn các loại thuốc với mức giá chung, sử dụng trong toàn quốc.

Chất lượng y tế không thể thay đổi ngay

Từ năm 1995 đến nay mới thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh trong khi trượt giá 3,34 lần; lương đã tăng 8 lần; giá đầu vào tăng cao... vì vậy nhất thiết phải tăng viện phí. Bộ trưởng cũng cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiến tới tính đúng tính đủ viện phí, Nhà nước chỉ lo cho người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn... còn lại phải là sự chia sẻ của người dân. Với giá dịch vụ y tế quá lạc hậu, người dân sẽ không thích tham gia BHYT. Ví dụ cắt amidan, giá quy định chỉ là 40.000 đồng, trong khi giá thực chi ở BV là 400.000 đồng, phần chênh lệch còn lại sau khi BHYT trả do  người dân phải trả nên rất vất vả. “Tăng viện phí nhưng bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ rất có lợi. Nhà nước đã bảo đảm hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo... Nói tăng viện phí tạo gánh nặng cho người nghèo là không đúng, mà là ngược lại” - bộ trưởng giải thích và nhấn mạnh tăng viện phí giúp BV nâng cao chất lượng hơn. Nhà nước cũng đỡ phải chi hơn cho các BV, thay vào đó chi trực tiếp cho việc hỗ trợ bệnh nhân. Đó là cơ chế tài chính văn minh. Bộ trưởng cũng cho biết,  chất lượng y tế không thể một sớm một chiều thay đổi ngay khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có đề án giảm tải bệnh viện, nhưng hiện vẫn khó khăn do đề án này… chưa có kinh phí.

* Về vấn đề thuốc đông y kém chất lượng và lương y người nước ngoài hành nghề trái phép, bộ trưởng cho biết: “60% thuốc đông y không đạt tiêu chuẩn do dược biệt. Bộ đã tổ chức các lực lượng kiểm tra, nhưng báo cáo với QH là mảng này khá hổng do từ khâu nuôi trồng nguyên liệu, nhập khẩu đến sản xuất thuốc. Mảng này chưa được quản lý, còn để trống. Tới đây phải tiếp tục tăng cường bộ máy, nhân lực quản lý”.

Phan Thảo


Thủy điện Sông Tranh 2: Bộ yên, dân lo

“Đã có 19 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi trực tiếp và Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời khá cụ thể, đầy đủ các mặt, chỉ còn lại vấn đề Thủy điện Sông Tranh 2”. Đó là nhận định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi khép lại phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành xây dựng.

Trả lời câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu từ cuối chiều 12-11 về công trình thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, các quy trình kiểm tra chất lượng đối với công trình đã được tuân thủ nghiêm túc. Khi phát hiện có tình trạng thấm nước, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã cùng các bên liên quan xử lý thấm, hiện giờ còn khoảng 3 lít/s - so với các đập lớn tương tự, mức độ thấm như vậy là ít nhất. Ngay khi xảy ra động đất và rung chấn trong khu vực, hội đồng đã yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn khác để đánh giá khách quan chất lượng công trình.

Tới nay, tư vấn Colenco (Thụy Sĩ) kết luận đập an toàn và có khả năng chịu đựng động đất cao hơn mức dự báo của Viện Vật lý địa cầu (là 5,5 độ richter). Gần đây các trận động đất và chấn rung xảy ra trong khu vực đều nhỏ hơn mức này, nhưng do người dân vẫn lo lắng nên Chính phủ quyết định chưa cho tích nước; yêu cầu mời tư vấn có kinh nghiệm về địa chất đánh giá toàn diện một lần nữa.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Các nhà địa chất Nga đã đến Sông Tranh 2 từ ngày 11-11, sắp tới sẽ có thêm các chuyên gia Ấn Độ và Nhật Bản để đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực này. Khi bà con yên tâm, mới tích nước. Nếu xảy ra sự cố, các cơ quan liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Hướng vị bộ trưởng đến một tuyên bố dứt khoát hơn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hai lần yêu cầu thẳng thắn: “Đề nghị bộ trưởng tuyên bố dứt khoát cho dân biết là nên ở đó hay đi?”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đáp: “Nếu mức nước giữ như hiện nay, bà con cứ yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết. Ở mức đó, công trình gần như tuyệt đối an toàn”.

ĐB Ngô Văn Minh phản hồi khá mạnh mẽ: “Yên tâm hay không yên tâm thì ngay chính trong câu trả lời của bộ trưởng đã cho thấy không yên tâm rồi. Vẫn còn những nhà khoa học của chính chúng ta bảo không yên tâm, mà người dân cũng phải ở đó chứ đi đâu được? Bộ trưởng nói là cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm. Tôi hỏi là nếu chẳng may sự cố vỡ đập xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên, xin bộ trưởng nói rõ. Có nên có phụ cấp “độc hại” cho dân, khi người ta sống trong sợ hãi, không yên tâm làm ăn sinh sống?”. Ông Ngô Văn Minh còn đề nghị Thủ tướng trả lời rõ câu hỏi này.

Chủ tịch QH chốt lại: “Tôi cũng chưa thấy yên tâm. Đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức nào để yên tâm được. Theo chứng minh của các nhà khoa học đến thời điểm này thì an toàn, cộng với quyết định chưa tích nước vào lòng hồ sẽ chưa gây nguy hiểm gì. Nhưng đó chỉ là tạm thời yên tâm thôi”.

Anh Thư


  • Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG:
    Năm 2013 phải tạo chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu

Kết thúc phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận một số vấn đề và giao Thống đốc tập trung xử lý trong thời gian tới.

Về nợ xấu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng QH và Thống đốc đều đánh giá là nghiêm trọng, có ở các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản: “Năm 2013 QH giao cho Thống đốc phải tạo được sự chuyển biến tích cực trong giải quyết nợ xấu và Thống đốc sẽ không đơn độc. Cần phân loại các loại nợ xấu khác nhau, để có các biện pháp cụ thể. Năm 2013 phải giảm nợ xấu để đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn dưới 3% như Thống đốc đã cam kết”. Phải có giải pháp cho vay hỗ trợ doanh nghiệp để nền kinh tế không bị lâm vào tình trạng khó khăn, bế tắc, không phát triển được. Trong đó, các yếu tố như huy động, cho vay, lãi suất phải có quá trình gắn chặt với nhau để giải quyết. Đặc biệt là lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu… để hỗ trợ vốn. Chủ tịch QH lưu ý: “Huy động vốn 12% mà chỉ có tăng tín dụng 2% - 3% là chưa cân đối, cần có giải pháp giải quyết”.

Liên quan đến thị trường vàng, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vẫn còn ý kiến khác nhau. Vừa qua chúng ta chưa có kinh nghiệm quản lý thị trường vàng, khi hội nhập mở ra quá rộng, cho cả sàn vàng hoạt động. Nay Chính phủ chủ trương, QH cũng chủ trương quản lý thị trường vàng. Tinh thần quản lý là vàng không phải là một loại hàng hóa bình thường mà là hàng hóa đặc biệt, vàng chỉ dùng để cất trữ, làm trang sức. Chúng ta không cho phép dùng vàng làm phương tiện mua bán, thanh toán. Tư tưởng chúng ta theo hướng đó. Chủ tịch QH đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 24, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nước ta đã hội nhập quốc tế, nhưng không phải cái gì cũng cho liên thông: “Chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế để quá lớn cũng không được. Quyền xuất nhập khẩu, dập vàng là của nhà nước, đồng thời bảo đảm lợi ích của người dân. Giá trị sử dụng vàng là trang sức, để cất trữ của dân, chúng ta phải bảo đảm. Thống đốc cần tăng cường các biện pháp cần thiết để thị trường vàng phát triển với ý nghĩa vàng là hàng hóa, còn vàng với ý nghĩa là phương tiện thanh toán thì phải cấm”.

Qua chất vấn, QH và Thống đốc đều đánh giá có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng, liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan đến việc tăng giá tài sản thế chấp, gia tăng nợ xấu, thâu tóm ngân hàng làm của riêng để đầu tư bất động sản.

M.Giang

Tin cùng chuyên mục