Nghệ thuật thích ứng

Chưa bao giờ người làm nghệ thuật tại Việt Nam lại trải qua giai đoạn khó khăn như thời gian qua bởi ảnh hưởng dịch. Nhưng cũng trong hoàn cảnh đặc biệt đó, cả người sáng tạo và thụ hưởng dần thích ứng như một điều tất yếu.  

Những hàng dài khán giả xếp hàng ở các rạp chiếu chờ mua vé của Bố già, Lật mặt: 48H, Gái già lắm chiêu; liveshow của ca sĩ Mỹ Tâm tại sân vận động Phú Thọ (TPHCM) với hàng chục ngàn khán giả; độc giả nối dài tại Hội sách xuyên Việt - Lan tỏa tri thức diễn ra cuối tháng 4 tại sân vận động Hoa Lư (TPHCM)… luôn là niềm ao ước của bất kỳ đơn vị phát hành, tổ chức, nghệ sĩ nào. Nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Thưởng thức nghệ thuật hôm nay ngoài sự thăng hoa về cảm xúc, phải đảm bảo an toàn.

Các ca mắc Covid-19 mới nhất trong cộng đồng tiếp tục đặt ra những thách thức với người làm nghệ thuật. Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, có thể nói, giới làm nghệ thuật chịu ảnh hưởng nặng nề. Rạp chiếu phim đóng cửa, sân khấu không thể hoạt động, các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ lớn đến nhỏ đình trệ…

Và tất yếu, diễn viên hạn chế ra phim trường, ca sĩ bị hủy show, nghệ sĩ không thể cháy cùng khán giả trên sàn diễn… Những thiệt hại này ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt lên mỗi nghệ sĩ, có lúc khiến họ điêu đứng.  

Nhưng nghệ thuật là sáng tạo nên khả năng thích ứng trở thành yếu tố tự thân, linh hoạt. Với sự phát triển và tương hỗ của công nghệ, nhất là internet, những khái niệm thưởng thức nghệ thuật mới ra đời và biểu diễn nghệ thuật trực tuyến lên ngôi. Từ những chương trình nghệ thuật được dàn dựng bài bản, công phu như các buổi hòa nhạc, đêm nhạc lớn thu hút hàng chục nghệ sĩ tên tuổi… đến các minishow của nghệ sĩ, những buổi livestream (phát trực tiếp) với sân khấu là nhà… liên tục diễn ra.

Sân khấu kịch đóng cửa nhiều vở diễn, trích đoạn sân khấu được tải miễn phí lên các trang mạng xã hội. Rạp phim đóng cửa, các nền tảng VOD (xem phim theo yêu cầu) tích cực mở rộng kho nội dung, với nhiều nội dung độc quyền. Hội sách trực tuyến đang diễn ra cũng mang đến trải nghiệm thú vị, với rất nhiều ưu đãi, giảm giá, miễn phí vận chuyển.

Và còn đó rất nhiều cuộc thảo luận, triển lãm, khóa học nghệ thuật được thực hiện trực tuyến. Hầu như giới nghệ thuật đã dịch chuyển sang hình thức trực tuyến. Trong khó khăn chung vì dịch, nghệ sĩ vẫn nỗ lực phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân.   

Ở phương diện người hưởng thụ, thưởng thức nghệ thuật trực tuyến không hoàn toàn mới mẻ. Câu hỏi đặt ra, điều đó có thiệt thòi với người thụ hưởng? Câu trả lời chắc chắn có. Trải nghiệm xem phim, kịch, ca nhạc thông qua màn hình điện thoại, laptop, tivi… dù được trang bị hiện đại đến đâu cũng không thể mang đến cảm giác như trong rạp phim, sân khấu kịch, sân khấu ca nhạc. 

Nhưng nhìn vào thực tế, thói quen thưởng thức nghệ thuật mới đã và đang ngày một phổ biến, không chỉ ở các đô thị lớn mà cả vùng sâu, vùng xa khi internet ngày càng phủ sóng rộng rãi. Xu hướng thưởng thức nghệ thuật xuyên biên giới, như các buổi trình diễn trực tuyến, trực tiếp của các nghệ sĩ quốc tế, trở nên quen thuộc hơn.

Nở rộ hơn cả là sự lên ngôi của các nền tảng VOD với kho nội dung khổng lồ được cung cấp từ các nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới. Những trải nghiệm ấy, rõ ràng mang đến sự khác biệt và tiếp cận dễ dàng hơn. Người thưởng thức - nghệ sĩ - tác phẩm nghệ thuật đến với nhau, tương tác với nhau thậm chí sôi nổi hơn, dù họ không trực tiếp nhìn thấy nhau. 

Nghệ thuật và người làm nghệ thuật có thể bị ảnh hưởng nhưng sự sáng tạo chưa bao giờ giậm chân tại chỗ. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều chương trình nghệ thuật lớn, nhiều bộ phim, vở kịch… vẫn được âm thầm thai nghén, nuôi dưỡng. Và khi dịch được kiểm soát, nó sẽ được bung nở, không chỉ thỏa cơn khát cho khán giả mà còn cho thấy sự chuyển động thích ứng, sự kiên trì, bền bỉ của nghệ sĩ.    

Tin cùng chuyên mục