Những ngày trung tuần tháng 3, thời tiết ở ĐBSCL vẫn nắng nóng kéo dài, độ mặn tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000ha (chiếm 1,2% tổng diện tích gieo trồng) và bằng 9,6% so với đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 (trên 405.000ha lúa hư hại). Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là có khoảng 95.600 hộ dân thiếu nước ngọt để sử dụng, trong đó Sóc Trăng có gần 25.000 hộ, Cà Mau trên 20.000 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh gần 9.000 hộ, Long An gần 8.000 hộ...
Trong hoạn nạn càng thấy rõ sự đùm bọc, tương thân tương ái của người dân. Từ khi hạn mặn vào cao điểm, tình tương thân tương ái đã lan tỏa mạnh mẽ từ tấm lòng cho đến hành động. Dù giá nước ngọt đang dao động từ 150.000-200.000/m3 nhưng bà Nguyễn Thị Hưởn (79 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, TP Bến Tre) sẵn lòng sẻ chia nguồn nước ngọt từ giếng đào của gia đình cho bà con khắp nơi đến lấy về sử dụng miễn phí.
Từ tấm lòng nhân ái của một cá nhân đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, lay động đến nhiều trái tim thiện nguyện khác trên cả nước. Một mạnh thường quân ở tận Hà Nội, dù chỉ biết thông tin trên mặt báo nhưng đã gián tiếp gửi một số tiền khá lớn cho bà mua bồn chứa nước ngọt, để người dân đến lấy được nhanh hơn, không phải chờ đợi lâu.
Từ những người bình dân đến giới nghệ sĩ TPHCM đã bỏ tiền túi và vận động hàng trăm triệu đồng để mua máy lọc nước mặn thành ngọt, bồn chứa ngọt, khoan giếng… để có nước ngọt cho bà con sử dụng. Và cả những người lính hải quân, biên phòng dù đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới hải đảo, nhưng một khi nhân dân đang cần sự giúp đỡ thì họ không quản đường sá xa xôi, vượt hàng trăm hải lý, mang đến những giọt nước ngọt nghĩa tình cho người dân vùng hạn mặn. Sự lan tỏa còn lớn hơn ở chỗ, mỗi gia đình, chòm xóm láng giềng cũng chia sẻ với nhau từng ca nước ngọt, hỗ trợ nhau phòng chống hạn mặn, giúp đỡ nhau trong sản xuất, sinh hoạt…
Những nghĩa cử đẹp đó xuất phát từ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ phương châm trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn tại Bến Tre vừa qua: “Một vấn đề khó, thậm chí rất khó, nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và thành thắng lợi”. Theo Thủ tướng, vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt.
Vậy cho nên, dù có khó khăn đến mấy thì tình cảm, sự đoàn kết keo sơn của hàng triệu trái tim Việt Nam sẽ làm nên một sức mạnh phi thường để vượt qua khó khăn, thử thách. Những cách làm của những trái tim thiện lành như một thông điệp gửi đến người dân ĐBSCL là hãy an tâm và vững tin, vì họ sẽ sát cánh với bà con để gồng gánh qua những tháng mùa khô và cả những khó khăn phía trước.