
LTS. – Hưởng ứng cuộc thi “Viết tiếp hành trình Tuổi hai mươi sống đẹp – sống có ích”, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã mời nhà văn nữ TRẦM HƯƠNG, người đã có nhiều tác phẩm về những tấm gương anh hùng liệt sĩ của dân tộc đến nói chuyện. Đây là những lời tâm sự của chị về một nhân vật nữ anh hùng…
Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm khách mời gặp gỡ và giao lưu trong cuộc phát động “Viết tiếp Hành trình tuổi đôi mươi” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vào đầu tháng 3-2006. Hạnh phúc vì tôi không chỉ được gặp rất nhiều anh chị, đồng nghiệp cầm bút mà còn được gặp rất nhiều phóng viên trẻ.
Trước khi đi, lòng tôi nung nấu muốn chia sẻ nỗi bức xúc với những người tuổi trẻ về sự hy sinh cao cả, anh hùng của một trung đội trưởng Trung đội pháo binh vành đai Bình Đức Nguyễn Thị Bé Sáu. 37 năm sau ngày chị hy sinh, hồ sơ truy tặng anh hùng cho chị Bé Sáu vẫn chìm trong quên lãng. Và sau đây là câu chuyện kể về hành trình đi tìm lại hồ sơ của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Bé Sáu...

Từ trái sang: Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Thị Ánh Thu, Lê Trắc Hoa, Đoàn Văn Khanh và anh Cao Văn Bảy – chồng chị Nguyễn Thị Huệ, người gọi chị Bé Sáu bằng cô.
Tháng 10-2005, tôi ra Hà Nội, đi tìm lại những nữ liệt sĩ tuổi đôi mươi hy sinh trong chiến trường miền Nam cho quyển truyện ký “Những bông hoa bất tử”.
Được gặp những vị làm công tác phụ trách khen thưởng thi đua, tôi không thể kềm chế nỗi bức xúc, hỏi thẳng: “Chuyện chị Nguyễn Thị Bé Sáu - trung đội trưởng trung đội nữ pháo binh vành đai Bình Đức, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) lập thành tích tiêu diệt và làm bị thương 100 tên Mỹ, phá hủy 12 trực thăng, 1 kho xăng máy bay hơn 5.000 lít và 3 khẩu pháo 105 rồi anh dũng hy sinh khi cứu sống 4 đứa bé trong khói lửa, bom đạn vào ngày 8-3-1969 sao mãi cho đến nay vẫn chưa được phong anh hùng?
Trước khi nhập ngũ, biên chế về pháo binh, chị Bé Sáu cũng đã từng là trưởng ban đấu tranh chính trị, phát động hàng trăm cuộc đấu tranh trực diện; tham gia du kích diệt hàng trăm tên lính Mỹ ở vành đai Bình Đức. Ba người anh của chị đều hy sinh. Chồng chị Bé Sáu cũng đã hy sinh. Mẹ chị là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sách đã mất. Chị ấy không còn ai. Nhưng lẽ nào một liệt sĩ đơn thân mà ban thi đua quên lãng?”.
Vì nóng lòng hoàn tất thủ tục truy tặng danh hiệu anh hùng cho chị Bé Sáu mà cuối tháng 10-2005, tôi về Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đã 36 năm trôi qua, tất cả những ai biết về chị Bé Sáu đều hiểu một cách sâu sắc rằng việc truy tặng danh hiệu anh hùng cho chị Bé Sáu bị chậm trễ thì quả là người sống thật vô tình, thật có lỗi . Việc đầu tiên, tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang, chị Trắc Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang - dốc sức nối kết các đường dây, gác lại mọi công việc cùng tôi về Song Thuận, bổ sung hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng cho chị Bé Sáu.
Trong gian nhà tạm làm trụ sở Hội, chị Nguyễn Thị Phẩm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã - vẫn còn giữ kỹ bản thành tích của chị Bé Sáu. Những tờ giấy viết tay, bằng nét chữ nguệch ngoạc đã ố vàng được bọc trong một bìa sơ mi cũng đã ố màu thời gian. Nhắc đến chị Bé Sáu là nước mắt chị Phẩm tuôn trào, bởi chị từng được chị Bé Sáu dìu dắt, bảo vệ thời chị nằm trong đội văn nghệ thiếu nhi xã. Chị Phẩm kể: “Tôi không thể nào quên được người chị đảm đang, tháo vát, luôn chăm sóc chu đáo, ân cần cho chúng tôi. Tôi nhớ có lần mấy chị em băng qua quãng đồng trống, trời chuyển cơn mưa, chị lấy vạt áo, lấy thân mình che cho tôi khỏi ướt. Tình cảm của chị dành cho các em nhỏ rất đằm thắm, trìu mến nên khi biết chị vì cứu bốn đứa con nhà chị Hai Nên mà hy sinh thì tôi hiểu vì sao chị Bé Sáu đã làm như vậy. Chị Bé Sáu ngàn lần xứng đáng danh hiệu anh hùng”.
Chị Nguyễn Thị Ánh Thu - một cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang, giờ đang là bà chủ của một cửa hàng bán đồ gỗ của xã - đã đợi chúng tôi từ đêm trước. Chị Ánh Thu nói: “Tôi đã từng dìu dắt Bé Sáu vào đội du kích, rồi sau đó công tác phụ nữ. Tôi hiểu vì sao Bé Sáu chọn con đường vào bộ đội chính quy, đơn giản vì nó muốn trả thù nhà, nợ nước. Tôi nhớ lần cuối cùng chị em gặp nhau. Mắt đỏ hoe, nó bày tỏ nguyện vọng cầm súng đánh giặc để trả thù cho Công - chồng nó và các anh nó đã hy sinh. Tôi nói: “Phụ nữ mà vô pháo binh là cực lắm, gian khổ lắm, em có kham nổi không?”.
Bé Sáu nói: “Em không sợ gian khổ, em không sợ hiểm nguy, em muốn dội những trái pháo vào đúng mục tiêu kẻ thù để trả thù cho đồng bào”. Tôi bày tỏ với chị nỗi băn khoăn: “Chiến công chị Bé Sáu thì đã có sách, sử ghi lại nhưng hồ sơ truy tặng anh hùng cần phải có phần lý lịch, nhân thân. Tất cả những người thân của chị Bé Sáu đều không còn, giờ tìm những thứ ấy ở đâu?”. Chị Ánh Thu ngẫm ngợi một lúc rồi reo lên: “À, nhớ rồi, thằng Khanh, hôm trước gặp nó khoe với chị là còn giữ bộ hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng cho Bé Sáu hồi nảo hồi nào”.
Thật cảm động khi anh Đỗ Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn còn giữ hồ sơ truy tặng anh hùng cho chị Bé Sáu từ năm 1998.
Anh rất nhiệt tình nhưng kiên quyết đưa cho tôi bản photocopy, giữ lại cho mình bản chính vì anh rất sợ hồ sơ chị thêm một lần bị thất lạc. Đọc lại hồ sơ chị, tôi vô cùng kinh ngạc, bởi trước chiến công ngày 8-3-1969 bắn rơi 12 máy bay Mỹ, chị còn có một quá trình chiến đấu vô cùng oanh liệt. Năm 15 tuổi, chị đã tham gia đội du kích ấp rồi du kích xã. Từ 1962 tới1964, chị cùng đội du kích tham gia nhiều trận đánh diệt ác phá kềm , bức 3 đồn tua, chiếm làm chủ lộ 28, lộ ngang, cùng nhân dân nổi dậy giải phóng hoàn toàn xã Song Thuận.
Từ 1965 - 1966; chị tổ chức vận động hàng trăm thanh niên vào bộ đội chủ lực, hàng ngàn lượt thanh niên đi dân công tải đạn, phục vụ chiến trường; vận động hơn 2.000 thanh niên làm 50.000 mét rào làng chiến đấu, đắp 20.000 mô trên lộ 28 - lộ ngang vào Vĩnh Kim; vót hơn 40.000 cây chông. Từ 1966 - 1967, chị là Ủy viên Hội Phụ nữ huyện, Phó ban Vận động đấu tranh chính trị.
Chị Bé Sáu đã vận động quần chúng 2 xã Kim Sơn - Song Thuận 6 cuộc với hơn 3.000 lượt quần chúng tham gia đi đấu tranh trực diện tại Vĩnh Kim, Long Định, đưa yêu sách chống cào nhà gom dân, chống bắt lính; đặc biệt có trận đấu tranh đòi địch mở cống sông Cầu Lấp để có nước cho hơn 200 ha đất ruộng của nông dân ấp Mỹ Hòn - Song Thuận và địch phải nhượng bộ. Chị còn lãnh đạo 6 cuộc đấu tranh chống địch thổi cát làm căn cứ Bình Đức, có hơn 3.000 lượt người tham gia.
Từ 1968 - 1969, chấp hành theo lệnh của Ban Chỉ huy mặt trận vành đai Bình Đức, khẩu đội 82 do chị lãnh đạo đánh hơn 100 trận, diệt hơn 200 tên Mỹ; bắn cháy và làm hư hại 50 cối pháo các loại; làm hư 18 xe quân sự, cháy sập 6 dãy trại lính Mỹ, bắn hư hàng chục trực thăng.
Trong đó có trận đặc biệt, vào ngày 8-3-1969; khẩu đội cối 82 của chị đã tập kích vào bọn Mỹ đang đi càn về, phá hủy 10 trực thăng, làm chết và bị thương 100 tên Mỹ, đánh hỏng trận địa pháo 100 1y. Chính trong trận đánh này, sau khi chị Bé Sáu cứu được 4 đứa bé trong nhà chị Hai Nên - nơi chị đặt khẩu đội pháo tại xóm So Đũa, ấp Long Thuận A, xã Long Hưng thì bị máy bay địch ném bom, đốt cháy thành ngọn đuốc rồi hy sinh...
Tôi không bao giờ quên và cả nhân dân vành đai Bình Đức không thể nào quên hình ảnh trung đội nữ pháo binh sau khi phóng pháo, vội nhúng nòng, quấn bao bố vào, khoác trên vai mà chạy thoăn thoắt chạy trên cánh đồng. Những bờ vai con gái năm ấy không sợ phỏng, không sợ vác nặng, băng qua cái chết đã tô thắm cho màu cờ của 6 xã anh hùng. Tôi làm sao quên được hình ảnh chị Bé Sáu như ngọn đuốc đã ngã xuống.
...Tôi dứt lời. Dưới hàng ghế khán giả, những phóng viên trẻ vẫn với vẻ trầm lặng ban đầu. Tôi cảm thấy thiếu tự tin, thấy mình thất bại và hối hận, lẽ nào mình đã kể ra câu chuyện truyền thống không hợp lẽ. Nhưng thật không ngờ, đến giờ cuối, những đoàn viên thanh niên cộng sản của Báo Sài Gòn Giải Phóng gây cho tôi một sự ngạc nhiên vô cùng cảm động.
Nguyễn Nhật - Bí thư đoàn cơ sở - sau khi bàn bạc với các đoàn viên của mình đứng ra nhận lấy trách nhiệm vận động kinh phí, xây dựng cho người cháu của chị Bé Sáu căn nhà tình nghĩa. Lòng tôi đầy hào hứng và tình nguyện làm người dẫn đường cho các bạn trẻ về thăm lại gia đình chị Bé Sáu ở Song Thuận. Bí thư đoàn hy vọng ngôi nhà tình nghĩa dành cho thân nhân chị Nguyễn Thị Bé Sáu được khánh thành vào dịp 30-4-2006.
TRẦM HƯƠNG