
“Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách đầy khả kính…” - những lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét đã phần nào khái quát được tấm gương về nhân cách trong sáng, cao đẹp, cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng độc lập dân tộc, hòa bình và chủ nghĩa xã hội của luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996).
Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ 4 (22-11-1980).
Chỗ dựa của người dân bị áp bức
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910 tại làng Phong Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), xuất thân trong một gia đình công chức trung lưu. Sau 11 năm du học ở Pháp, năm 1932 ông tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc và sau đó về nước hành nghề luật sư.
Chứng kiến cảnh thực dân Pháp thẳng tay đàn áp dã man người dân vô tội và những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, ông quyết định dùng kiến thức bênh vực quyền lợi cho đồng bào bị địch bắt. Đặc biệt, những vụ biện hộ thành công cho các cán bộ cách mạng đã không ngừng đưa uy tín của luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên cao trong lòng nhân dân.
Những lời bào chữa đanh thép của ông tại phiên tòa xét xử ông Hoàng Xuân Bình (cán bộ Bộ Tư lệnh Khu 9) vào tháng 5-1948 đã làm nức lòng mọi người. Ông khẳng định: “Khép thân chủ của tôi vào tội danh phản quốc là một sai lầm căn bản. Ông Bình không phải là người Pháp, cũng không mang quốc tịch Pháp. Ông là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một quốc gia vừa giành được độc lập từ ngày 2-9-1945. Do đó ông có quyền và có bổn phận phải thi hành mọi nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc của mình. Việc tòa án của Pháp truy tố công dân một nước độc lập trên lãnh thổ quê hương của người ấy là một điều vô giá trị. Tôi đề nghị quý tòa quyết định miễn tố và trả tự do ngay cho thân chủ của tôi”.
Trước lập luận xác đáng này, tòa án chính quyền thực dân Pháp phải chuyển tội danh cho ông Bình từ “Phản quốc” với khung hình phạt từ 5 năm khổ sai đến tử hình sang “Hoạt động lật đổ” và tuyên mức án 3 năm tù giam. Cũng với lập luận sắc bén tương tự, vào tháng 3-1950, với tư cách là Trưởng Phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn (được lập ra nhằm bảo vệ quyền lợi về dân sinh dân chủ cho mọi tầng lớp đồng bào Sài Gòn, cũng có thể xem đây là tổ chức công khai hợp pháp của Mặt trận Việt minh - Liên Việt trong lòng địch), luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã buộc thực dân Pháp phải hoãn việc xét xử vô thời hạn đối với ông Phạm Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn và 21 thành viên khác của hội về tội “Xâm phạm nền an ninh quốc gia”… Từ đây, với nhân dân bị áp bức, với các chiến sĩ hoạt động cách mạng đã có luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chỗ dựa vững chắc về pháp luật.
Bản tuyên ngôn tỏ lòng ái quốc
Bằng những hoạt động không mệt mỏi, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành ngọn cờ đoàn kết, quy tụ quần chúng, học sinh sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Một trong những sự kiện nổi bật diễn ra vào tháng 5-1947. Sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Chính phủ Pháp chấm dứt mọi hành vi chiến tranh, mở ngay những cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình, sớm kết thúc chiến tranh, ông đã tích cực vận động các nhân sĩ, trí thức ký vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp đáp ứng yêu cầu chính đáng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ trong một tuần lễ đã có hàng trăm luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản tuyên ngôn bày tỏ sự ủng hộ của mình.
Bản tuyên ngôn tỏ lòng ái quốc này được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Sài Gòn - Chợ Lớn trao tận tay Cao ủy Pháp tại ông Dương Emile Bollaert để chuyển về Chính phủ Paris. Sau đó, bản tuyên ngôn được đăng trên các báo xuất bản trong nước và ở Pháp.
Sự kiện này là bước quan trọng tập hợp lực lượng những người trí thức, các giới đồng bào yêu nước vào cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời bấy giờ, mà ngọn cờ đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Việc làm yêu nước của giới trí thức Nam bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao. Trả lời một nhà báo nước ngoài vào ngày 22-6-1947, Bác Hồ nói: “Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi quân Pháp đang chiếm đóng. Tỏ lòng ái quốc là một sự nguy hiểm cho người Việt Nam. Thế mà hơn 700 người trí thức và thương gia tư bản Việt Nam ở vùng đó vừa bạo dạn ký giấy đòi Chính phủ Pháp phải đàm phán với Chính phủ Việt Nam”.
Khi đế quốc Mỹ lăm le can thiệp trực tiếp vào Việt Nam bằng cách đưa hai tàu chiến Stickell và Anderson cập cảng Sài Gòn, tại cuộc mít tinh quần chúng được tổ chức tại sân trường Tôn Thọ Tường vào ngày 19-3-1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vạch trần âm mưu của kẻ thù và kêu gọi đồng bào kiên quyết đấu tranh để phá tan ý đồ đen tối của những kẻ hiếu chiến. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình rầm rộ, khiến 2 tàu chiến của Mỹ phải vội vàng tháo chạy. Và ngày 19-3-1950 đã trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.
Ngay từ những sự kiện thành công vang dội trên đã thể hiện được nhân tố đoàn kết các giai tầng trong xã hội nơi luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người sau này được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và được giao cương vị Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách ảnh “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ” do NXB Thông tấn phát hành năm 2009 và một số tư liệu khác.