Ngọt bùi sau những đắng cay

Mỗi miền đất mang một hương sắc đặc trưng, so sánh nào cũng là khập khiễng bởi nó vốn thuộc về lẽ tự nhiên, dẫu có đổi thay biến tấu cho phù hợp với đương thời, thì bản sắc nguyên thủy vẫn là hằng số với thời gian.

Xuôi ngược miền đất Cửu Long có những vườn cây trái bốn mùa trĩu quả, có những cánh đồng tưởng chừng vô tận, màu mạ non xanh mướt kéo dài như chạm đến chân trời… Cái vị ngọt thấm từ lớp đất phù sa bồi đắp nên bốn mùa cây trái mát lành, hồn cốt văn hóa, ẩm thực do đó cũng đặc trưng hương sắc ngọt ngào với hàng trăm loại kẹo, bánh dân gian. Không thiếu những tỉnh, thành miền Tây Nam bộ có biển hay giáp biển, vậy nhưng người ta vẫn quen vị ngọt khi nhắc đến xứ này. Cái vị ngọt thấm sâu trong từng lớp đất nuôi cây trái và len lỏi trong nhịp sống thường ngày, mà hễ một câu hò điệu lý cất lên, người ta biết ngay giọng hát miệt vườn, thấm đượm tình quê.

CN4e.jpg
Món bánh lá mơ đặc trưng của miền Tây Nam bộ kết hợp từ bột gạo, lá rau mơ và nước cốt dừa đậm vị mặn mà. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Ẩm thực cũng phần nào phản ánh đời sống, nơi cây trái ngọt lành thì món ăn cũng đậm vị ngọt bùi. Nếu kể ra, phải có đến hàng trăm món bánh dân gian được sáng tạo từ vùng đất này, đa phần làm từ bột gạo, bột nếp đi kèm nước cốt dừa béo ngọt, thậm chí hơi ngậy với những ai vốn quen ăn nhạt. Cũng có những món bánh sinh ra từ miền châu thổ, cũng làm từ hạt lúa, hạt nếp ngọt bùi của đất phù sa nhưng phải ăn kèm nước mắm, nước cốt dừa có béo nhưng vị phải mặn, không mặn thì coi như mất đi cái đặc trưng của món bánh. Kể ra cũng kha khá món như: bánh ít trần, bánh lá mơ, bánh chuối đập… mà pha nước cốt dừa ngọt như chè chuối, chè đậu thì coi như lạc quẻ. Cũng là nước cốt dừa, cách làm y như nhau, nhưng phải ra được vị mặn mà, thơm mùi hành lá thì mới đúng điệu dân sành ăn.

Không thiếu món ăn, đủ vị bánh trái, nhưng có lẽ đặc trưng xứ này là ngọt, bởi thế mà cái ngọt nó thấm sâu trong từng suy nghĩ. Nhiều người vẫn hay nhận xét “người miền Tây ăn ngọt có tiếng”, nhưng đôi khi cái ngọt nó ẩn đằng sau đủ thứ vị chua, cay, mặn, nồng… Nồi canh chua vẫn rõ vị chua, nhưng dư vị phải ngọt hơn một chút, món nước chấm chua ngọt cũng nhỉnh phần ngọt hơn một chút.

Sau ngọt bùi cũng lắm gian truân, cây trái ngọt mùa phải đổi bao ngày chăm bón, chắt chiu. Bông lúa vàng đồng là thành quả của những người nông dân bao ngày đong nắng đong mưa ngoài ruộng… Và câu chuyện của hiện tại, miền đất ngọt đang phải chịu hạn mặn nhiều và sâu hơn bao giờ hết. Sông quê nước lớn nước ròng, vậy mà có nơi sông, rạch trơ cả đáy. Biến đổi khí hậu nghe tưởng chừng như câu chuyện lớn lao và xa xăm, nhưng nó cứ hiện rõ từng ngày, từng giờ nơi miền cây lành trái ngọt.

Đất quê cũng như một cuộc đời, có nắng, có mưa, bồi đắp nên hồn cốt văn hóa xứ sở, để dẫu vị “ngọt” có đang bị đe dọa, thì người ta cũng sẽ tìm cách để giữ lấy hồn quê. Phận người cũng thế, năm tháng trong đời chẳng thể nào đòi hỏi những ngọt bùi cứ mãi nối tiếp nhau được, bởi phải có đắng cay mới rèn giũa người ta trưởng thành.

Là nẻo về nương náu, đất quê luôn che chở phận người, từ hồn cốt văn hóa, ẩm thực xứ sở dạy người ta biết những thăng trầm trong cuộc sống. Để một ngày đứng dưới mái hiên nhà, có khi chép miệng bùi ngùi thèm vị ngọt từ cái bánh, chén chè má hay nấu ngày còn thơ, cũng có khi thấm đẫm những buồn vui trong đời để sau những mặn mà, cay nồng lại ngẫm ra dư vị ngọt bùi.

Tin cùng chuyên mục