Người chơi quan họ

Người chơi quan họ

Chúng tôi chọn huyện Việt Yên (Bắc Giang) để đến với những làng quan họ. Bạn đồng hành với tôi trong chuyến điền dã thú vị này là Đào Trọng Ca, cán bộ phòng văn hóa, một người ca quan họ nổi tiếng. Tự nhiên, sôi nổi, Ca truyền dụ vào tôi cái chất đắm đuối mê say của quan họ bằng những câu chuyện, lời hát về quê hương mình. Việt Yên có 80 đội quan họ/151 làng. 5 làng quan họ của huyện vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
“Người chơi quan họ”, Đào Trọng Ca nói với tôi thế. Chao ơi, một cuộc chơi tự nhiên, công phu đầy nghĩa tình đằng đẵng kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, trọn những kiếp người níu náu dùng dằng với nó. Còn mãi với thời gian, còn mãi với không gian 5 canh quan họ vang- rền-nền-nẩy với 3 giọng lề lối, vặt và giã của những liền anh áo lương khăn xếp, những liền chị nón thúng quai thao. Nên nhớ, người quan họ khi kết chạ rồi thì không lấy được nhau.

Chính nhờ cái lề luật “nghiệt ngã” đó mà những canh quan họ bao giờ cũng trong sáng, da diết, sâu sắc, níu náu đến nao lòng. Cuộc chơi quan họ là cuộc chơi không có hồi kết, giã bạn rồi hẹn bạn trở về trong tiết giêng hai lất phất mưa bay để cùng soi vào mắt nhau, trao gửi cho nhau những thăm thẳm ân tình.

Về làng Thổ Hà, gặp gỡ anh Hai Hiệp, anh Hai Nam – một cặp ca quan họ nổi tiếng của Bắc Giang – chúng tôi mới hiểu rõ hơn thế nào là “người chơi quan họ”. Anh hai Nguyễn Phú Hiệp, nói không ngoa chút nào chính là kho quan họ của làng. Trong anh đang lưu giữ khoảng 400 bản quan họ cổ. Nó chính là cuộc đời anh, tâm hồn anh, cuộc đời và tâm hồn đa cảm đa tình của một người chơi quan họ.

Anh Hiệp đã từng học quan họ với cụ Son, cụ Thà, cụ Xôi (các liền anh rất nổi tiếng) từ thời trai trẻ. Anh kể rằng, các cụ phần lớn không biết chữ, thầy dạy cho trò theo lối truyền khẩu, có trường hợp phải 10 năm sau mới hoàn thiện bài hát.

Có câu chuyện thế này không thể không kể ra với bạn đọc. Năm 1994, cụ Son thầy dạy của anh Hai Hiệp bị ốm thập tử nhất sinh. Năm ấy cũng là năm cặp liền anh Hai Hiệp – Hai Nam đi thi hát đối đáp do tỉnh Hà Bắc (cũ) mở và đã giành giải nhất với bài Ông giăng. Bài hát này là của “độc”, vào thời điểm ấy không mấy người biết do sư huynh Vũ Tự Lẫm, người đóng vai Hai Chi trong phim Đến hẹn lại lên mới dạy cho hai người tối qua.

Giành được giải cao nhất cuộc thi 2 anh về báo công và hát cho cụ Son nghe. Mấy vạn năm nay tính hãy còn/Cớ sao khi khuyết lại khi tròn/Ba mươi, mồng một đi đâu vắng/Hay có tình riêng với nước non. Sau khi nghe trò hát, cụ Son bỗng ngồi phắt dậy rồi nói: “Hát thế mới đúng, mới phải, ngày xưa ta vẫn hát như vậy”. Rất kỳ lạ là sau khi nghe trò hát, thầy dần dần lui bệnh rồi khỏi và còn sống thêm 9 năm nữa.

Hát quan họ, không nghi ngờ gì nữa chính là nhu cầu tự thân của người xứ này. Những giai điệu trữ tình được cất lên trong hội làng, trong cuộc sống thường ngày. Gặt hái đáng kể nhất của  tôi trong chuyến đi này là được ngồi giữa đình làng hay trong nhà các liền anh, liền chị nhiều thế hệ để thưởng ngoạn quan họ ngoài sân khấu, không có nhạc đệm, không có hóa trang.

Một thứ quan họ “mộc” được cất lên tự nhiên và gần gũi vô cùng. Đã lắng đọng vào tôi không chỉ là những giai điệu, lời ca hay và đẹp mà còn có hơi thở nồng nàn, những nét duyên đằm thắm của người quan họ.
 
Ở đình Thổ Hà chưa hết ngất ngây khi nghe anh Hai Hiệp, Hai Nam ca thì khi về Nội Ninh, một trong những làng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, cảm xúc của chúng tôi được nhân thêm bội phần khi nghe cụ Đoàn Thị Cỏn, một nghệ nhân quan họ năm nay đã 90 tuổi và con dâu cụ, chị Đoàn Thị Bùi, đội trưởng đội quan họ của làng kể chuyện và cho thưởng thức những Đào nguyên, Ba Vì, Giăng bao nhiêu tuổi giăng già, Người ở đừng về… dậy tiếng thơm bao đời.

Hai thế hệ quan họ, cách nhau hàng sáu chục tuổi, ngồi kề bên nhau hát đắm say những khúc tâm tình. Cụ Cỏn kể, mười hai, mười ba tuổi cụ đã đi học ca quan họ, đến tuổi gần đất xa trời rồi vẫn còn mê hát và truyền dạy cho con cháu. Còn liền chị Đoàn Thị Bùi thì bộc bạch: “Trước đây tôi thích hát nhạc đỏ nhạc xanh nhưng sau khi được u truyền dạy cho thì tôi mê cái “vang rền nền nẩy” của quan họ lắm”.
 
Quan họ chẳng bao giờ mai một, phai nhạt hay mất đi, ngược lại sẽ càng sáng tỏa hơn, càng vang-rền-nền-nẩy hơn trong lòng bạn bè gần xa. Bởi quan họ là tình người, là ân nghĩa, là nhân văn mang vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc của xứ sở này.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Tin cùng chuyên mục