
Tháng 7-2006, giới âm nhạc trong nước và ngoài nước quan tâm tới nhạc cụ dân tộc đều mừng rỡ khi nghệ sĩ trẻ Đức Minh là người Việt Nam đầu tiên được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội Đàn môi thế giới.
Ngay lần tham dự đầu tiên, Đức Minh cùng với 3 nghệ sĩ đến từ Nga, Pháp, Trung Quốc được trao giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất, ghi một dấu mốc quan trọng của nghệ thuật đàn môi Việt Nam trong làng đàn môi chuyên nghiệp thế giới.
Đánh thức một nhạc cụ dân tộc
Đức Minh vừa trở về từ một chuyến đi thực tế tìm hiểu về đàn môi tại vùng dân tộc thiểu số Điện Biên. Anh hăm hở khoe chiếc đàn môi cổ nhất Việt Nam, thành quả của chuyến đi vừa rồi.
Chiếc đàn môi cổ được làm theo phương pháp thủ công, do tác động khắc nghiệt của thời tiết cùng dấu ấn thời gian, nó không thể dùng để gảy nữa song đó là một minh chứng về sự hiện hữu của nhạc cụ này đối với cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Nghệ sĩ đàn môi Đức Minh (trái) và giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải.
Những kỹ năng về đàn môi hiện nay Đức Minh có được chính là nhờ những sự gặp gỡ mà anh gọi là “cơ duyên”.
Người đầu tiên chính là Clemens Voight - một nhạc sĩ trẻ người Đức, người vì mê tiếng đàn môi của dân tộc Mông mà tìm đến Việt Nam, học cách chơi, cách làm các loại đàn môi và lập ra trang web http://danmoi.de để giới thiệu, kinh doanh đàn môi Việt Nam.
Sau đó là giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải, con của GS Trần Văn Khê, người đã gửi cho anh những CD, tài liệu về đàn môi, giới thiệu với anh về các loại đàn môi trên thế giới cùng tình yêu dành cho đàn môi.
Từ chỗ tò mò tới ham thích, chỉ trong vòng 6 năm, Đức Minh đã hàng chục lần một mình khoác ba lô lên ăn ở và tìm hiểu về đàn môi tại những bản làng xa xôi ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang… Những bản ca tâm tình, làn điệu cổ của người Mông, người Dao, người Thái… cứ mỗi ngày một thấm dần rồi trở thành “tài sản” của riêng Minh từ lúc nào cũng không rõ nữa.
Nhưng với cách chơi truyền thống bằng chính nhạc cụ của dân tộc Mông do Đức Minh biểu diễn tại festival đàn môi thế giới vừa qua đã khiến tất thảy đều đi từ kinh ngạc đến ngây ngất vì âm hưởng đàn môi vừa chuyên nghiệp lại rất “tình” của Việt Nam. Chính vì vậy, tiếng đàn môi của Đức Minh được đánh giá là phát hiện mới nhất, đáng chú ý nhất của festival đàn môi lần này.
Và nghệ sĩ đàn môi đơn thương độc mã tìm tri kỷ
Nhớ lại chuyến tham dự festival đàn môi thế giới, Đức Minh tâm sự: Mỗi khi biểu diễn đàn môi của dân tộc nào, anh lại chỉ cho khán giả nhìn thấy trên tấm bản đồ vùng sinh sống của dân tộc ấy, cũng như giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của họ.
Khán giả không chỉ được nghe anh “chơi” đàn môi mà còn được hiểu thêm về văn hóa Việt, được khám phá những nét đặc sắc của đất nước Việt Nam.
Song điều anh nhận được nhiều nhất từ chuyến đi này là đã tìm thấy một kho tàng cực kỳ quý giá về nghệ thuật đàn môi tại Viện Bảo tàng con người ở Paris (Pháp).
Anh được tiếp xúc với các tài liệu ghi chép, các bản nhạc cổ đàn môi của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thu âm từ những năm 1950, 1960.
Cứ âm thầm một mình, Đức Minh lặn lội tới những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất ở phía Bắc Việt Nam... để tìm hiểu về đàn môi cũng như những làn điệu cổ của đồng bào nơi đây.
Hiện nay, anh có trong tay bộ sưu tập đàn môi của 5 dân tộc Mông, Dao, Thái, Khơ mú, Êđê, hàng chục loại đàn môi của các nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Nga... Càng tìm hiểu, càng chơi đàn môi, Đức Minh càng bị cuốn hút bởi thế giới mới mẻ, nhiều màu sắc của loại nhạc cụ này.
Không chỉ dừng lại ở kiểu chơi truyền thống, Đức Minh còn khiến người ta bất ngờ vì khả năng “biến hóa” tiếng đàn môi: tạo ra âm thanh như tiếng trống, guitar bass... trong những bản nhạc đương đại pha trộn rock, pop... do chính anh viết.
Sau những thành công, sự ngưỡng mộ của giới nghiên cứu đàn môi quốc tế, Đức Minh đã vạch ra nhiều kế hoạch về nhằm bảo tồn và phát triển một nhạc cụ truyền thống như viết sách, tổ chức các buổi giao lưu giới thiệu về đàn môi. Thậm chí, có lúc anh còn “mơ tưởng” về một festival đàn môi của riêng Việt Nam.
THU HÀ