Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Người là Hồ Chí Minh!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dày công xây dựng Đảng thành một khối vững mạnh, trong sạch, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Suốt cả cuộc đời, Người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập suốt đời.

Báo SGGP trích đăng từ tài liệu của Ban TT-VH TƯ một số mẩu chuyện sinh động có ý nghĩa sâu sắc về giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chúng ta.

  • Chữ “quan liêu” viết thế nào?

Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:

- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!

Anh em hưởng ứng “Vâng ạ!”, “Vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?

Bác vẽ một vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:

- Chữ gì nào?

Tưởng chữ “phạn”… chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ!

Bác khen:

- Giỏi đấy.

Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:

- Chữ “nhị” ạ.

Bác động viên:

- Giỏi lắm...

Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.

- Chữ “tam” ạ...

Bác cười:

- Khá lắm.

Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.

- Chữ gì nào?

“Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi… Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!

Bác giục:

- Thế nào? Các nhà “mác-xít”?

Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

Bác đứng dậy:

- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...

Để que xuống đất, Bác nói:

- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn… Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác. 

(Theo NGUYỄN HỒNG NHUNG) 

  • Có ăn bớt phần cơm của con không?

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói:

- Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô, lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi:

- Ở đây, những chú nào có vợ rồi giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi:

- Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không?

Đồng chí cán bộ trả lời:

- Thưa Bác, không ạ!

- Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?

Bác vừa nói vừa làm động tác vơ vét và đút vào cái túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ đảng viên.

Hôm nấy, chúng tôi được một bài học nhớ đời. Có anh cúi mặt không dám nhìn lên Bác nữa.
 

(Theo HIẾU THẢO)

Tin cùng chuyên mục