Người mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Dương Quang Đông (2-5-1902 - 2-5-2017), Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã đến dâng hương tưởng nhớ người hội viên Công hội đỏ đầu tiên của những năm 1920.
Đồng chí Dương Quang Đông (bìa phải) tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Ảnh: Gia đình đồng chí Dương Quang Đông cung cấp
Đồng chí Dương Quang Đông (bìa phải) tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Ảnh: Gia đình đồng chí Dương Quang Đông cung cấp
Được xem lại những hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng gần 100 năm của ông, ai cũng xúc động và quý trọng trước những cống hiến to lớn của ông với dân, với Đảng, nhất là ở những giai đoạn khó khăn nhất của hai cuộc kháng chiến giành độc lập…
Từ mở đường vận chuyển xuyên quốc gia…

Trong hồi ký 80 năm cuộc đời, đồng chí Dương Quang Đông viết: “Cuối năm 1945, thực dân Pháp xua quân đánh chiếm hết các tỉnh Nam kỳ. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Nam bộ bắt đầu. Giai đoạn đầu, lực lượng ta gặp hết sức khó khăn do chưa có kinh nghiệm chỉ huy, kinh nghiệm chiến đấu, trang bị rất thô sơ lại không nhận được sự chi viện từ Trung ương và Chính phủ. Do vậy, Xứ ủy chủ trương tự lực kháng chiến và tổ chức một đơn vị sang Thái Lan tìm mua vũ khí. Ngày 20-10-1946, đơn vị gồm 14 người của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh lên đường với sự chỉ huy trực tiếp của tui. Trong hơn ba năm, từ năm 1946 đến năm 1949, đơn vị đã tìm mua hàng trăm tấn vũ khí, khí tài quân sự và các trang thiết bị phục vụ chiến tranh khác ở Thái Lan và Malaysia, chuyển về Nam bộ. Ngoài ra, đơn vị do tui chỉ huy còn vận động bà con Việt kiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan ủng hộ nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến trong nước. Hàng trăm thanh niên tình nguyện về nước chiến đấu trong các đơn vị bộ đội hải ngoại như Cửu Long I, Cửu Long II…. Không những thế, đơn vị còn làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng giúp nước bạn Campuchia kháng chiến chống thực dân Pháp…”. 

Theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử công an, đầu năm 1960, yêu cầu chi viện vũ khí cho miền Nam là vô cùng cấp thiết. Cùng với đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn hùng vĩ, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến vận tải trên biển để cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng cho cách mạng miền Nam. Đầu tháng 11-1961, đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ cho đồng chí Dương Quang Đông - người đã có kinh nghiệm phụ trách tiếp tế bằng đường biển cho chiến trường Nam bộ, Lào và Campuchia trong kháng chiến chống Pháp - nghiên cứu, tổ chức cho một số cán bộ ra Hải Phòng báo cáo rõ tình hình và đề nghị đưa tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường bằng đường biển. Ở lại miền Nam, trong nhiều tháng trời, đồng chí Dương Quang Đông đi dọc bờ biển từ Kê Gà, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận ngày nay) đến Hồ Cốc, Lộc An (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khảo sát, lên kế hoạch bố trí các bến bãi chuẩn bị cho những chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí cập bến đưa về chiến trường miền Nam đánh giặc.

Đến mở đường Hồ Chí Minh trên biển


Từ báo cáo kết quả khảo sát và trinh sát tình hình địch của đồng chí Dương Quang Đông, các đồng chí ở Chiến khu D và Trung ương Cục miền Nam quyết định tổ chức người đưa người ra miền Bắc để đón tàu chở vũ khí vào Nam. Đồng chí Dương Quang Đông được tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này. Theo tài liệu lịch sử, với lực lượng của miền và lực lượng địa phương, đồng chí Dương Quang Đông đã tổ chức thành một đơn vị mới với 6 thủy thủ, lấy phiên hiệu là Đoàn 555. Trước khi lên đường, đồng chí Dương Quang Đông phổ biến tình hình nhiệm vụ và kế hoạch vượt biển, tổ chức cho anh em học tiếng Quảng Đông để đối phó với địch khi bị phát hiện. 14 giờ ngày 27-2-1962, tàu nhổ neo tại bến Hồ Cốc, lên đường ra Bắc nhận vũ khí chuyển về Nam. Sau 3 tháng vật lộn với sóng biển, 6 chiến sĩ đã tới miền Bắc và được biên chế vào Đoàn vận tải 759, đưa chuyến hàng đầu tiên cập bến Lộc An, chính thức mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa. Sau này, tuyến vận chuyển trọng yếu này trở thành một phần trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, góp phần đưa hàng ngàn tấn vũ khí vào miền Nam đánh giặc.

Cũng theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bình Ban, từ kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy Đoàn 555 của đồng chí Dương Quang Đông, Trung ương Cục miền Nam phát triển lên thành Đoàn Vận tải 1500, tương đương cấp trung đoàn, làm nhiệm vụ đưa vũ khí, đạn dược từ miền Bắc cung cấp cho chiến trường miền Đông Nam bộ bằng đường biển, cập bến tại Lộc An (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Đồng chí Dương Quang Đông được giao nhiệm vụ Đoàn phó, Chính ủy đơn vị vận tải biển chiến lược này, cho đến cuối năm 1963 thì được cử sang công tác kinh tài với nhiệm vụ Thường trực Hội đồng cung cấp tiền phương, và sau này là Phó ban Giao bưu miền cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin cùng chuyên mục