Đã có biết bao hội nghị quan trọng, trang nghiêm được tổ chức ở hội trường Thành ủy, nhưng buổi sáng 12-1-2007, những người phục vụ hội trường thấy một thành phần dự hội nghị lạ nhất. Có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, lão thành cách mạng, đại biểu đến từ hầu hết các tỉnh thành Nam bộ.
Cả hội trường như có “cả nước” thu nhỏ, đến đây trong không khí vui sướng, cảm động của người thân trong gia đình. Có cả cụ già nhất 95 tuổi, bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tư (mẹ của liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh) cho tới đứa cháu Thùy Dương của ông Năm Xuân bước vào đời phóng viên tập sự, cũng đang chen chúc giữa các nhà báo để chụp ảnh ông mình. Cả hội trường thật trang nghiêm nhưng ấm cúng và nô nức như người của gia đình trong một dịp vui trọng đại.
Bản công trạng, cuộc đời hoạt động của chú Năm Xuân do Đại tướng Lê Hồng Anh đọc, dù là tóm tắt cũng khá dài bởi đó cũng là bản lý lịch điển hình của những người lão thành cách mạng Việt Nam nay đã dần thưa vắng.
Các chiến sĩ trẻ, học sinh các trường công an được nghe tóm tắt cuộc đời vị tướng của mình sinh từ 1922 - những năm đầu của thế kỷ trước như một cuốn phim nhanh diễn ra. Hoạt động học sinh ở Huế, thanh niên dân chủ. Nhà tù Hỏa lò Sơn La, Khám lớn Côn Đảo. Người chỉ huy công an từ các mặt trận miền Đông, Cần Thơ, Sài Gòn - Gia Định. TPHCM sau giải phóng - xây dựng và trưởng thành. Các hoạt động xóa đói nghèo, khuyến học. Giờ đây dù đã cao tuổi, ông vẫn là người nhiệt thành. “Anh Năm vẫn tiếp tục đóng góp xây dựng Đảng…” - như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu.
Cả cuộc đời 85 tuổi hơn 70 năm hoạt động cách mạng đã lăn lộn khắp các chiến trường, khắp các lĩnh vực như thế, là một vị tướng sống trong dân, được dân thương yêu như thế, cho nên lời cảm ơn của ông dù nói ngắn mà lại nhiều ý nghĩa nhất.
“Tôi năm nay 85 tuổi, bắt đầu mất thị lực, nên phát biểu vấp váp” - vị tướng mở đầu lời phát biểu, giọng run run cảm động. Ông cảm động không phải vì mình được vinh quang mà vì ông đang có một dịp xứng đáng nói lời tri ân. Ông tri ân truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tri ân công lao giáo dục của nhân dân, của Đảng. Giọng ông như sắp khóc khi nói lời cảm ơn công lao đồng bào nuôi dưỡng che chở, các đơn vị vũ trang, đến cả bác sĩ, y tá, cấp dưỡng những người đã giúp đỡ ông trong suốt cuộc đời công tác. Biết ơn công lao dưỡng dục của phụ mẫu và sự chịu đựng hy sinh gian khổ của vợ con, những người thân yêu. Biết ơn sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ…
Chỉ qua lời cảm ơn thôi có thể thấy những gì đã làm nên con người đang đứng nhận phần thưởng cao nhất của đất nước hôm nay. Lời cảm ơn như sự ghi công nhân dân. Chính vì thế không còn đơn thuần tính nghi lễ, những lời cảm ơn thành ra có nhiều tình cảm nhất, chân thành nhất làm xúc động mọi người.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI