
Lời nói đầu: Vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, một nhóm phóng viên báo tôi nảy ra ý tưởng bình chọn các cá nhân có tầm ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của tờ báo. Mọi người hoan nghênh, coi đó là việc làm có ý nghĩa. Tôi là một trong những người sống lâu ở báo, được phép đề cử một nhân vật. Và, tôi chọn gã.
* * *
Gã nhỏ thó, mặt tái mét, bị chứng tay run. Vật nặng gã cầm được, vật nhẹ như chén trà, cây viết, tay gã lại run. Gã bảo, tại từ nhỏ hay ăn chân gà. Chẳng có ai tin! Gã than: Đa nghi là điều bất hạnh của con người! Gã hay bị trúng gió, cảm cúm. Gã sợ trời mưa và sấm chớp. Gã cũng rất sợ mèo. Nhưng gã thích vẽ cọp.
Gã bảo: Vẽ cọp từ nhỏ. Ai cũng bảo gã có khiếu về hội họa. Nhưng gã không học mỹ thuật. Trong sổ tay của gã tràn ngập cọp. Cọp đứng, cọp nằm, cọp cười, cọp khóc… Con nào cũng mạnh mẽ dữ dằn, khác hẳn với tác giả. Người ta gọi gã là Tiểu hổ. Cũng phải thôi! Lẽ thường, người ta thiếu thứ gì thì thích thứ đó.Gã thiếu sức mạnh, nên thích cọp.Là giải thích của những đồng nghiệp không ưa tính tự cao tự đại của gã.

Tranh Hổ phố Hàng, Hà Nội.
Gã là người khó ưa, khó gần, là thứ người mất cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên.Ngay cả sếp thời sự, một người vốn dễ tính, cả nể, thường được gọi là “Di Lặc đại nhân” cũng có vẻ khó chịu khi giáp mặt gã lần đầu: - Cậu hiểu sâu về lĩnh vực nào: chính trị, kinh tế hay văn hóa… Gã gõ ngón tay lên mặt bàn: - Cái gì cũng hiểu hết. Muốn sâu có sâu, muốn nông có nông… Đức Di Lặc không cười nổi. Nghẹn giọng bảo: - Ở công ty X đang có tổng kết, cậu đi làm tin. Chú ý tới phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo. Gã đi ngay. Đây là ngày đầu làm việc… Cái tin là sản phẩm ra mắt.
Đến 5 giờ chiều, sếp thời sự nhận được cái tin của gã. Cái tin không có tít, chỉ có hai câu: “Ngày 15-12, công ty X tổ chức lễ tổng kết cuối năm. Khách mới đông có đến hơn trăm người, ăn uống lu bù ai cũng có phong bì, nhưng theo công nhân nói, công ty làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, có nguy cơ phá sản”. Di Lặc đại nhân thường ngày nói năng khúc chiết, câu chữ chuẩn xác là thế, giờ như tập nói tiếng người: - Cậu làm việc trực tiếp với Tổng biên tập. Tôi thua!
Gã gặp Tổng biên tập, một người nho nhã bặt thiệp hao hao giống cố Thủ tướng Chu Ân Lai bên Trung Quốc. Ông này cười tủm tỉm, nhỏ nhẹ nói: - Việc cậu đã xong để tôi xử lý. Sáng mai đến gặp tôi bàn thêm về công việc của cậu.
Gã rống lên từ trên lầu ba xuống tới tầng trệt: - Rồi các ông xem, tôi sẽ là người mở đầu cho cuộc cách mạng thông tin… Gã mời mọi người đi nhậu. Hồi đó còn nghèo khó lắm. Nhậu cao cấp cũng chỉ đến mức rượu đế, nghêu luộc. Vài ba người hiếu kỳ ngồi với gã, cũng chỉ được một tiếng là tháo chạy có cờ. Không thể tưởng tượng được cái thân xác ốm o gầy còm của gã lại có thể chứa được nhiều rượu đến thế.
Theo tính toán của Di Lặc đại nhân, sức của gã có thể nuốt trôi một lít rưỡi rượu đế Gò Công. Gã uống liên tục, nói luôn miệng. Khi nói, gã luôn chồm người lên về phía người đối diện như hổ vồ mồi. Không ai sợ gã say xỉn. Thể trạng ấy đánh đấm được ai. Gã không thể thọ lâu được. Ai cũng bảo thế. Gã cười ngạo nghễ như minh chủ võ lâm lúc đăng quang: - Rồi xem!
Sáng hôm sau, gã la ó từ tầng trệt lên tầng ba nơi làm việc của Tổng biên tập. Hệt như cảm tử quân ôm bộc phá lao lên phá hàng rào: “Tại sao không đăng tin của tôi! Tại sao?”. Tổng biên tập vẫn cười tươi như hoa hồng Đà Lạt: - Cậu có tài điều tra, viết tin không hợp với năng lực của cậu. Tôi chưa đăng tin là có ý để cậu điều tra vụ này. Đồng ý chứ! Gã hớn hở: - Được rồi, tôi sẽ làm đến nơi đến chốn. Thủ trưởng cứ tin ở tôi…
Ba ngày sau, gã mang lên trình Tổng biên tập bài báo có cái tít rất giật gân: “Cây đàn bị đứt dây” dài hơn ba ngàn chữ. Tổng biên tập giao cho tòa soạn xử lý trước. Thư ký tòa soạn cười cười, bảo: - Có thể ghi là truyện ngắn được chăng? Gã nạt nộ: - Là cớ làm sao?
“Con cáo già” trong rừng rậm chữ nghĩa là biệt danh gọi ông Thư ký tòa soạn đầu hói, miệng hô và mũi diều hâu, êm đềm tâm sự: - Hỏi đáp gay cấn, có cốt truyện, có kịch tính, thấy rõ được ý đồ người viết. Nhưng chứng cứ pháp lý để bảo đảm cho sự thật lại rất vu vơ. Không một tờ báo nào dám đăng bài này nêu không ghi rõ đây là truyện sáng tác và phải loại bỏ các yếu tố người thật, công ty thật. “Con cáo già” có chất giọng truyền cảm, âm điệu phát ra như tiếng gọi bạn tình trong mùa trăng sáng. Gã không thể cãi lại con người thông tuệ, dí dỏm và đầy rẫy những thủ thuật làm mê lú lòng người.
Gã là con trai út một cán bộ đã nghỉ hưu, do một sếp lớn ở thành phố gửi gắm. Tổng biên tập không thể cư xử với hắn như những phóng viên bình thường được. Dầu sao, làm báo cũng là làm chính trị.Nhìn lên, ngó xuống, liếc trái, liếc phải luôn là một công việc thường xuyên, có tính nguyên tắc. Ông nói với Trưởng phòng tổ chức: “Để cậu ta rèn luyện thêm trong khâu biên tập”.
Gã làm biên tập. Rất tôn trọng cái bàn và cây viết mực đỏ. Có thể nói là mẫn cán.Gã yêu một phụ nữ hơn gã hai tuổi. Người đàn bà cao 1,63m, nặng hơn 60kg, đi như võ sĩ Sumo lên võ đài, ngồi như Bao Công xử án. Suốt ngày gã xăng xái quanh chị như con ong thợ xây tổ. “Vo ve hoài, điếc cả tai…
Đi chỗ khác chơi! Chị là nhân viên tư liệu, có giọng nói ngân nga thanh mảnh, khác hẳn với thể trạng kềnh càng, đồ sộ. Gã làm thơ tặng chị, mỗi ngày ít nhất hai bài. Trưa có thơ tình lúc đứng bóng. Chiều có thơ tình lúc hoàng hôn. Chỉ có tối và đêm không có thơ. Gã bảo, thời gian ấy dành cho “tư duy về hổ”…
Được hơn một tháng, hết thẩy các phóng viên đều căm ghét gã. Gã cắt gọt sửa tin, bài của họ một cách tàn bạo. Có người viết bài phản ánh dài gần 1.500 chữ, gã cắt lần hồi, còn lại 300 chữ với bút phê “Sáo rỗng và nhạt phèo. Tán dương vô lối”. Rồi, một ngày nọ, không biết gã có uống lộn thuốc hay mồ mả nhà gã bị xâm hại, gã lên tiếng chê bai nhà báo Đại Dương danh tiếng lẫy lừng luôn được cử đi theo các vị lãnh đạo để đưa tin, viết bài là thứ thùng rỗng kêu to. Hết thảy các phóng viên kiến nghị đưa gã ra khỏi bộ phận biên tập.
Gã chạy tới nhà ở của chị tư liệu, tru tréo như chó sói hú trăng: - Họ chẳng quan tâm gì tới người đọc cả. Vậy viết báo làm quái gì. Phải thay đổi, nhất thiết phải thay đổi! Chị tư liệu bế xốc gã lên, duyên dáng nói: - Trong khi chờ thiên hạ thay đổi, ông nên rời khỏi đây. Sự đời có nhiều chuyện bất ngờ, rất khó lý giải.
Không biết do hệ cơ bắp của chị tư liệu đã bị rệu rã sau những cuốc đạp xe bỏ mối hàng để có thu nhập thêm nuôi mẹ và em, hay vì sự đeo bám quyết liệt của gã. Sự việc đã xảy ra ngược lại với ý đồ của chị. Thay vì tống khứ gã ra khỏi phòng, chị lại bị gã dồn tới chân tường và mềm oặt người đi trong vòng tay và những cái hôn dài bất tận của gã.
Ba tháng sau, đám cưới được tổ chức. Lấy vợ rồi, gã còn hung hăng quyết liệt hơn. Gã đòi được đi viết báo. Gã dọa “không cho tôi về ban phóng viên, tôi sẽ kiện lên thành ủy. Tội trù dập tài năng cũng nặng ngang tội tham nhũng”. Thủ trưởng hãi. Bộ tứ (đảng ủy, công đoàn, thanh niên, phụ nữ) cũng hãi. Ai cũng biết, bố gã tuy đã nghỉ hưu nhưng ảnh hưởng đối với giới cán bộ đương chức còn mạnh mẽ lắm.
Tổng biên tập lại ra quyết định đưa gã về ban nông nghiệp nông thôn. Được một tháng, gã lại gây sốc toàn cơ quan với bài báo “Ai bóc lột ai?”. Bài báo nói về một ông chủ cơ khí ở vùng ven ngoại thành sản xuất các loại khóa. Do quản lý giỏi, tay nghề cao, sản phẩm của xưởng ông có chất lượng cao, giá rẻ phù hợp với dân đi xe đạp. Hàng của ông bán chạy ngang với các loại nhu yếu phẩm hồi ấy như bột ngọt, đường, sữa…
Ông phải mở rộng xưởng, thu nhận thêm nhân công. Mức lương cho người lao động làm việc ở xưởng ông cao gấp 5 lần so với mức lương công nhân làm việc ở xí nghiệp nhà nước. Song, việc làm ấy đã bị chính quyền địa phương nghiêm cấm với lý do “bóc lột công nhân, phát triển chủ nghĩa tư bản”. Bài báo phê phán mạnh mẽ việc làm sai trái của chính quyền địa phương, khẳng định ông chủ xưởng khóa là một công dân tốt. Bài báo kết luận: người công dân tốt là người có ích cho xã hội, biết mang lại ích lợi cho cộng đồng, cho người xung quanh.
Sếp “nông thôn” là người bị đau mắt hột kinh niên. Đọc xong bài báo, thay vì chảy nước mắt như mọi khi, lại đổ mồ hôi trán. Sếp vội vàng mang lên sếp tổng, hổn hển: “Thằng này điên rồi!”. Sếp tổng lịch lãm nho nhã, vẫn cười mà không phải cười, bảo: “Phải trân trọng lao động của anh em!”.
Sếp tổng có tố chất làm chính khách. Thời điểm ấy là gần cuối năm 1985. Sắp đến đại hội Đảng lần thứ 6. Toàn xã hội đã chuyển động về một tư duy kinh tế mới. Sau một tuần lễ thăm dò, hỏi ý kiến các thủ trưởng cấp trên, sếp tổng quyết định đăng bài báo của gã trên trang nhất với một cái tít mềm mại nhẹ nhàng nhưng khá ấn tượng về nghiệp vụ “Chuyện về những cái khóa và chìa khóa”.
Bài báo gây cơn địa chấn trong giới báo chí. Chưa bao giờ có một bài báo được bạn đọc tìm đọc nhiều đến thế. Nhiều vị lãnh đạo trung ương và địa phương hoan nghênh. Cho dù có số ít vị lãnh đạo phản đối, nhưng xu hướng chung là tán thành cách đặt và xử lý vấn đề của bài báo.
Danh tiếng của gã nổi như ngôi sao nghệ sĩ. Gã trình diễn, thuyết giáo ở khắp nơi. Khổ người nhỏ thó, gã cứ phải kiễng chân lên để nói cho to: “Phát hiện cái đúng, cái sai là trách nhiệm của người làm báo. Bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai là đạo đức của người làm báo. Người làm báo phải có trách nhiệm, có đạo đức. Không có thì đừng làm!”.
Đến 1988, với tư duy “kinh tế là trọng tâm, hội họa là then chốt”, gã rời khỏi báo, làm kinh tế tự do. Nhiều năm sau, chúng tôi được biết gã không thành công trong việc làm ăn cũng như trong hội họa. Tranh về hổ của gã vẫn chẳng có chút tiếng tăm nào. Có một số tranh vẽ hổ của gã được bày bán ở cửa hàng lưu niệm nhưng khách mua rất ít. Có người khuyên gã nên vẽ những thứ khác, như phong cảnh, chân dung người hoặc vẽ theo các thứ mốt đang thịnh hành như trừu tượng, lập thể gì gì đó…
Vẫn như trước đây, gã luôn chồm lên như cọp vồ khi nói với người đối diện: “Tôi sinh ra là để vẽ hổ. Rồi xem, sau này mỗi bức vẽ hổ của tôi giá không dưới 5.000 đô la Mỹ”… Mọi người không tin, cười cười. Gã lại than: “Đa nghi là điều bất hạnh”. Nhưng thôi, chuyện vẽ hổ của gã tin cũng được, không tin cũng chẳng sao. Sự thật là gã đã có công lớn trong những ngày đầu thời kỳ đổi mới của báo tôi.
* * *
Lời nói thêm: Sở dĩ tôi không nói rõ tên tuổi của gã vì việc này chưa được thông qua hội đồng bình chọn. Mong bạn đọc thông cảm.
TRẦN VĂN TUẤN