
Quê Bình Định, tập kết ra Bắc, được du học tốt nghiệp Đại học Địa chất Lômônôxốp (Nga), họa sĩ Phi Loan là nhà địa chất học trước khi đến với hội họa. Theo học vẽ ngắn hạn trong nước và học vẽ cả những lúc có cơ hội đi nước ngoài, họa sĩ Phi Loan cho rằng đó cũng là niềm đam mê nghệ thuật khó cắt nghĩa khi bước vào thế giới nghệ thuật rất muộn màng, ở vào tuổi đã nghỉ hưu. Từ Hà Nội vào sống tại TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Phi Loan đang dạy từ thiện ở Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi OSEDC- Việt Nam và Trung tâm IDO tại 321A Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Tranh cắt vải “Hoa thiếu nữ” của họa sĩ Phi Loan.
88 tác phẩm tranh giấy dán và tranh cắt vải đang được trưng bày tại 218A Pasteur, quận 3 là cuộc triển lãm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Thị Phi Loan ở TP Hồ Chí Minh. Từ chất liệu vải và giấy sử dụng trong những công việc quen thuộc hàng ngày, người vẽ tranh đã đặt để lên khung nền cả một thế giới nghệ thuật riêng của mình. Kể lại một chút về “cái duyên” đến với nghề vẽ, họa sĩ Phi Loan cho rằng đó là sự ngẫu nhiên khi bà phát hiện từ những mẩu vải cắt vụn được gom góp lại thành tranh.
Chuyện không lạ nhưng nó làm thay đổi suy nghĩ hoạt động của một con người trong cuộc sống. Và, cũng từ những phút ngẫu hứng tìm thấy hình ảnh từ một màu giấy, từ một màu vải, họa tiết, hoa văn trên vải đã thúc đẩy bà tìm đến thế giới của hội họa. Hình hiện qua màu, lôi cuốn theo sự liên tưởng mãnh liệt khiến người cầm kéo cũng có nghĩa là cầm cọ vẽ thành tác phẩm mỹ thuật; biến hóa cuộc sống chung quanh mình thành một thế giới nghệ thuật kỳ ảo!
Đến phòng tranh của họa sĩ Phi Loan, người xem có thể nhìn ngắm, thưởng thức những bức tranh khá đa dạng đề tài: Tĩnh vật, Hai chú gà trống, Hoa súng, Hoa phong lan, Thuyền độc mộc, Hoa thiếu nữ, Những người phụ nữ H’Mông v.v… Vốn sống và sự trải nghiệm hoạt động nghề nghiệp khoa học kỹ thuật khá phong phú đã giúp họa sĩ Phi Loan ghi nhận được nhiều hình ảnh trên những nẻo đường từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, từ vùng cao Sa Pa, Tây Bắc đến đất mỏ Quảng Ninh… Mỗi bức tranh được tác giả diễn tả theo sự phối kết sắc màu không lặp lại và thật lạ mắt. Chính từ sự không thể lặp lại này, họa sĩ Phi Loan đã nghiệm ra đó là nét nghệ thuật độc đáo của thể loại “tranh cắt vải” mà mình đang nắm bắt được và chất liệu là nguồn vải vô tận.
Đến muộn nhưng nắm bắt thật nhanh và hoạt động thật hiệu quả, thành công trong lĩnh vực mới có lẽ là điều rất hiếm trong nghệ thuật hội họa. Đó cũng là hạnh phúc lớn của một họa sĩ vẽ bằng… kéo.
KIM ỬNG