
Sau gần 6 tháng chờ đợi, ngày 13-2 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành hướng dẫn “giảm tải” việc dạy và học ở bậc tiểu học với trọng tâm là yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên từ cách soạn giáo án, nắm được khả năng học tập của từng học sinh đến việc xác định nội dung cụ thể của bài học... Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều nhà quản lý giáo dục và nhà giáo vẫn e ngại: liệu chủ trương này có rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”?
- “Giảm tải” chủ yếu dựa vào giáo viên

Các học sinh Trường THCS Hồng Bàng trong giờ học vi tính.
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) ở lớp 1, 2, 3, tỷ lệ học sinh đạt loại khá giỏi hai môn toán và tiếng Việt đều cao.
Tuy nhiên, vẫn có sự không đồng đều giữa các vùng miền. Trong khi tỷ lệ học sinh xếp loại yếu môn tiếng Việt lớp 3 ở TPHCM chỉ có 0,08%, Hà Nội là 0,1%, Vĩnh Long có 0,19% thì ở Kon Tum lên tới 5,51%, Hà Giang: 5,11%, Đắc Lắc: 4,93%. Ở môn toán, tỷ lệ cũng tương tự.
Sự chênh lệch về chất lượng, hiệu quả giáo dục giữa các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi với các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn cho thấy các yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất và đặc biệt là về năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có tác động quyết định đến chất lượng dạy và học.
Với hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học vừa được ban hành, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT và các trường tiểu học thực hiện điều chỉnh trên một số lĩnh vực như: đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo và phương pháp giảng dạy của giáo viên; điều chỉnh một số nội dung học tập; kiểm tra đánh giá học sinh. Điểm đáng lưu ý trong yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên tại hướng dẫn “giảm tải” này là vấn đề đổi mới cách soạn giáo án của giáo viên.
Cụ thể như: giáo án cần ngắn gọn nhưng có nhiều thông tin (có thể chỉ khoảng một trang giấy A4); giáo viên phải nắm được khả năng học tập của từng học sinh trong lớp để xác định nội dung cụ thể của bài học trong SGK cần hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng học sinh. Đồng thời, giáo viên tự chịu trách nhiệm trong việc giảng dạy ở mỗi tiết học.
Như vậy, với sự điều chỉnh này, từng nhà trường và từng giáo viên tiểu học sẽ là người “quyết định” trực tiếp đến việc “giảm tải” cho học sinh.
- Chủ trương và thực hiện: khoảng cách còn xa
Thực ra, ngay từ đầu năm học, việc tự chủ về thời khóa biểu đã được giao cho các trường tiểu học. Có chăng, với yêu cầu “giảm tải” mới này, mỗi lớp học, mỗi nhà trường tùy theo khả năng tiếp thu của học sinh mà có thể dạy nhanh hơn hoặc chậm lại đối với từng phần kiến thức cụ thể. Nhưng vấn đề đặt ra ở chỗ, chương trình đã quá nặng, khi giao cho giáo viên tự chủ về thời lượng, đôi khi lại làm khó cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B (Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) than phiền: các yêu cầu của môn Tập làm văn quá dài, lại chưa quan tâm đến rèn kỹ năng viết. So với thời lượng cho phép, khả năng nhận thức của học sinh lớp 4 có nhiều bài quá sức. Môn toán thì đưa cả những bài ở lớp 5, 6 vào nên rất nặng nề đối với học sinh. Với những kiến thức này, dù có kéo dài thời lượng cũng khó có thể truyền tải hết lượng kiến thức đến tất cả học sinh.
Ở khía cạnh quản lý nhà trường, thầy Nguyễn Trần Vỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, từ chủ trương của Bộ đến thực hiện ở địa phương còn một khoảng cách khá xa. Thực tế ở các trường tiểu học hiện nay cho thấy, vấn đề quá tải đến từ hai phía: phía giáo viên, xét ở góc độ trách nhiệm, khi thấy học sinh hoàn thành bài trên lớp lại muốn giao thêm bài tập về nhà để các em có điều kiện rèn thêm kỹ năng.
Còn phụ huynh học sinh, dù đã biết chủ trương cấm giao bài tập về nhà nhưng nhiều phụ huynh vẫn yêu cầu giáo viên giao bài cho các em. Vì thế mới xuất hiện tình trạng nhiều trường cho phép giáo viên được giao bài tập về nhà cho các em học sinh khá, giỏi dưới dạng “phát phiếu”. Một quy định đã rõ ràng như thế, khi thực hiện còn có nhiều biến tướng. Nay, Bộ GD-ĐT lại giao toàn bộ “sứ mạng” cho giáo viên thì e rằng khó có thể giảm tải tới nơi tới chốn.
Vì vậy, để thực hiện được đầy đủ chủ trương giảm tải, theo Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải đổi mới theo hướng tập trung vào việc đánh giá tính hiệu quả thực chất của công tác chỉ đạo, quản lý theo yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học. Việc thanh tra, kiểm tra một tiết dạy và học cần chú trọng vào việc xem xét năng lực tiếp thu của từng đối tượng học sinh (kém, trung bình, khá, giỏi) sau một tiết dạy để góp ý cho giáo viên về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
ANH NHI