Nguy hại khủng khiếp từ thuốc lá

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo “Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta”, trong đó nêu rõ mức độ thuốc lá gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. WHO cũng kêu gọi ngành công nghiệp này cần thể hiện trách nhiệm hơn.
Trẻ em Ấn Độ xếp hình biểu tượng không hút thuốc lá nhằm nâng cao ý thức của người dân trong Ngày Thế giới không hút thuốc lá
Trẻ em Ấn Độ xếp hình biểu tượng không hút thuốc lá nhằm nâng cao ý thức của người dân trong Ngày Thế giới không hút thuốc lá

Thiệt hại nặng

Số liệu của WHO cho thấy, mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Theo nghiên cứu khoa học, một điếu thuốc khi cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học và gần 70 trong số đó gây nguy cơ ung thư. Các bệnh phổ biến nhất trực tiếp gây ra tử vong ở những người hút thuốc lá là thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và đột quỵ. 

Theo báo cáo trên, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị xói mòn do hoạt động trồng cây thuốc lá. Trồng cây thuốc lá cũng góp phần gây nên nạn phá rừng.

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Nông dân trồng cây thuốc lá thường phát quang đất bằng cách đốt rừng và bỏ hoang đất chỉ sau vài mùa vụ, dẫn đến tình trạng hoang hóa, suy thoái đất và giảm năng suất của những loại cây trồng khác.

Đốt rừng dẫn tới phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm mức độ che phủ rừng vốn có thể hấp thụ 16 triệu tấn CO2 do hoạt động sản xuất thuốc lá mỗi năm. Ước tính, lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm. 

Xử lý chất thải từ thuốc lá cũng là một vấn đề. Ước tính có tới 4.500 tỷ đầu mẩu thuốc lá (tương đương 766.571 tấn) bị thải ra môi trường mỗi năm. Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng làm tăng ô nhiễm nhựa. Bộ lọc thuốc lá có chứa vi nhựa, tạo thành dạng ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên toàn thế giới. Trong khi đó, người dân đang phải gánh chịu chi phí dọn dẹp các sản phẩm thuốc lá vứt bừa bãi, chứ không phải ngành công nghiệp này. Ước tính chi phí dọn dẹp mỗi năm tại Trung Quốc vào khoảng 2,6 tỷ USD, Ấn Độ khoảng 766 triệu USD, còn Brazil và Đức hơn 200 triệu USD.

Nhiều biện pháp loại bỏ nghiện thuốc lá

 Trên thực tế, nhờ việc các quốc gia đẩy mạnh triển khai hàng loạt biện pháp nhằm loại bỏ tình trạng nghiện thuốc lá, số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đã giảm đều đặn trong những năm gần đây. Theo WHO, thế giới hiện có gần 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025, so với mức hơn 30% ghi nhận vào năm 2000.

Tại Âu, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và thành phố San Francisco, California ở Mỹ đã thực hiện thành công “luật trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng” khiến ngành công nghiệp thuốc lá có trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm do chính ngành này tạo ra.

Tại Australia, Cơ quan Y tế bang New South Wales kêu gọi những người hút thuốc lá ở bang này bỏ hút thuốc vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 31-5 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điếu hàng ngày ở cư dân trên 16 tuổi tại bang này đã giảm từ mức 9,2% trong năm 2020 xuống còn 8,2% trong năm 2021. 

Giám đốc Y tế bang New South Wales Kerry Chant cho biết tổng cộng khoảng 1,5 triệu người hút thuốc lá ở Kerry đã bỏ thuốc lá thành công. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2021, tỷ lệ cư dân độ tuổi 16-24 hút thuốc lá điện tử tại bang New South Wales là hơn 10%, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 2019-2020.

Tin cùng chuyên mục