Nguyễn Thái Dương trở lại với thơ thiếu nhi

Hơn 20 năm sau tập thơ thiếu nhi đầu tiên Cổ tích cho quả banh, nhà thơ Nguyễn Thái Dương vừa bất ngờ trình làng tập thơ thứ hai Thời gian trốn ở đâu? Đây thực sự là món quà dành cho bạn đọc nhỏ tuổi khi bước vào mùa hè năm 2015.
Nguyễn Thái Dương trở lại với thơ thiếu nhi

Hơn 20 năm sau tập thơ thiếu nhi đầu tiên Cổ tích cho quả banh, nhà thơ Nguyễn Thái Dương vừa bất ngờ trình làng tập thơ thứ hai Thời gian trốn ở đâu? Đây thực sự là món quà dành cho bạn đọc nhỏ tuổi khi bước vào mùa hè năm 2015.

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương

Cùng với vấn nạn sách ngôn tình dịch từ Trung Quốc thì những khiếm khuyết về truyện tranh và sự khan hiếm sách dành cho thiếu nhi nước ta đang được dư luận quan tâm. Vì vậy, sự xuất hiện tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của nhà thơ Nguyễn Thái Dương vào thời điểm này thật có ý nghĩa, nó như cơn mưa rào tưới lên cánh đồng sách khô hạn của trẻ em. Một tập thơ hay của một nhà thơ xuất thân từ nhà giáo trước khi trở thành nhà báo gắn liền với những trang viết cho tuổi thơ và tuổi mới lớn mấy mươi năm qua.

Nhận định về tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã viết: “Nhà văn Tô Hoài có lần bảo rằng viết cho tuổi thơ phải cố gắng đạt ít nhất hai điều: nghịch và đẹp. Tập thơ này đáp ứng hai yêu cầu đó. Tuổi thơ mà không nghịch thì đâu là tuổi thơ. Viết cho tuổi thơ mà nghiêm nghị thì sẽ mất vui, như viết cho “ông cụ non”.

Phải có cái nhìn tinh nghịch mới thấy niềm vui ngày “hoàng thượng đi khai trường”: Người đâu, chuẩn bị… cơm sườn/ Trẫm xơi rồi trẫm tới trường Mầm Non.

Ông “học tập” cháu cái nhìn tinh nghịch đó khi cháu đọc truyện tranh, khi trái banh của Misa và Thỏ Trắng méo xệch, khi sách bút lêu lêu cô chủ còn mê nghỉ tết…”.

Trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thái Dương xung quanh tập thơ mới Thời gian trốn ở đâu?, chúng tôi hỏi: “Thực tế cho thấy tác phẩm viết cho thiếu nhi ở nước ta ngày càng ít, có cảm giác tình yêu dành cho trẻ con của các nhà văn không còn mạnh mẽ như trước. Bằng trải nghiệm của mình, ông thấy đâu là cái khó khi viết cho thiếu nhi?”. Nhà thơ Nguyễn Thái Dương trả lời: “Tôi làm thơ nhiều và đã xuất bản 7 tập thơ, nhưng mảng thơ viết cho trẻ con của tôi chỉ có 2 tập: Cổ tích về quả banh (năm 1994) và Thời gian trốn ở đâu? (năm 2015). Tập trước cách tập sau đến 21 năm. Con số thời gian ấy nói lên điều gì, nếu không phải là khó khăn của bản thân tôi khi viết cho thiếu nhi. Yêu thương trẻ con là một lẽ. Viết được cho trẻ con lại là một lẽ khác. Khi con cái tôi lớn dần lên, tôi vừa được vừa mất đi nhiều thứ. Cái được là nhìn thấy sự trưởng thành của con qua mình nuôi dạy. Còn cái mất là dần dà sự hồn nhiên, tinh nghịch hết sức dễ thương của mấy đứa nhỏ ruột rà nó… biến đi đâu mất! Sáng tác thơ cho trẻ con mà không sờ được cái tính cách đáng yêu ấy trước mặt thì làm sao gieo vần, làm sao ngắt nhịp? May là sau con, tôi lại còn được cháu. Cháu là đối tượng trữ tình hết sức quyến rũ cho mảng thơ dành cho thiếu nhi của tôi được cất cánh. Bởi vậy, viết nhiều cho trẻ con là niềm mơ ước của nhiều nhà văn, nhà thơ đã đến tuổi làm ông làm bà. Có điều, thực hiện được hay không thì lại phải... ước tiếp”.

Bìa tập thơ thiếu nhi Thời gian trốn ở đâu?

Với tập Cổ tích về quả banh, tập thơ đầu tiên của ông dành cho trẻ con, ông bảo ông viết cho cháu nội của ba ông, cháu nội của mẹ ông, tức là… con ông. Ông nói: “Tuổi tác cách nhau đến hơn 20 năm khi từ cha, tôi đã thành ông. Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ, một cách tự nhiên cũng thay đổi theo chiều sâu, chứ không như xưa được! Cha thì có thể làm ngựa cho con ngồi trên lưng làm kỵ mã: Thì ba là ngựa chứ sao/ Tai đây, con bấu chặt vào rồi… phi? Nền chênh vênh dẫu khó đi/ Con cười ngặt nghẽo cả khi… té nhào. Chứ ông ngoại thì hơi bị khó. Bất quá, ông chỉ chơi… năm mười, cút bắt hoặc ngồi bên cạnh cùng học với cháu: Bút chì lăn lóc dưới chân/ Lom khom ông dọn lâng lâng cả lòng? Hộp màu tội nghiệp phải không/ Nó… lùn cho cháu cao ngồng ước mơ… Cha viết về con, cho con, làm sao giống ông viết về cháu, cho cháu, phải không?”.

Khi nghe tôi nói: Nhà thơ Nguyễn Thái Dương trai trẻ ngày nào bây giờ sắp già. Mà đâu chỉ ông, cả một thế hệ với ông như Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc… cũng thành ông thành bà cả rồi. Có điều, chúc mừng ông vẫn giữ được cảm hứng thi ca, nhất là những vần thơ bay bổng dành cho các cháu thiếu nhi. Ông liền trả lời: “Đúng là thời gian không biết trốn ở đâu mà vụt cái sắp già hết rồi. Việc giữ được cảm hứng sáng tác thơ cho thiếu nhi, đôi khi người ta hay nói vui là nhờ… trời, dù điều đó không phải là trật. Riêng về phần mình, nói một cách hợp lẽ hợp tình, đó là nhờ hai đứa cháu của tôi. Bằng cảm xúc tự nhiên, bằng thực tế của tình cháu đối với ông và tình ông đối với cháu suốt 8 năm trời, tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của tôi mới được ra đời”.

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương sinh tại Bình Định, sống và làm việc tại Sài Gòn - TPHCM từ năm 1972 đến nay. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, từng dạy học và làm báo. Các tập thơ đã xuất bản: Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (NXB Văn nghệ, 1987); Chút tình riêng thuở ấy (NXB Trẻ, 1988); Cổ tích về quả banh (NXB Đồng Nai, 1994); Tàn trăng (NXB Đồng Nai, 1994); Uốn khúc (NXB Trẻ, 2003), Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (NXB Hội Nhà văn, 2013), Thời gian trốn ở đâu? (NXB Kim Đồng, 2015)

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục